HTX nuôi ong nội rừng Kinh Môn hiện có 51 thành viên với 1776 thùng ong. Để nâng cao giá trị sản xuất và xa hơn là phát triển chuỗi giá trị bền vững, HTX chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm cho các thành viên.
Khai thác mật ngọt từ rừng
Thị xã Kinh Môn có gần 1.370 ha rừng và diện tích cây ăn quả phong phú là điều kiện thuận lợi để các thành viên phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Để có mật ong sạch, vị trí đặt tổ ong phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, nhất là phải xa trang trại chăn nuôi. Nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như nhiều công việc khác nhưng quá trình chăm sóc lại phải cẩn thận, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của loài ong để phát triển đàn, chăm sóc và thu hoạch mật bảo đảm chất lượng. Chính vì vậy, qua các buổi tập huấn, các thành viên dần nắm vững kỹ thuật nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo kinh nghiệm của các thành viên, để nâng cao chất lượng, sản lượng mật ong, người nuôi phải nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc đàn ong theo từng mùa hoa. Bên cạnh đó, ong rừng có tính bầy đàn cao, nhạy cảm với các tác động của thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ, vì vậy cần có biện pháp thích hợp phòng chống nắng, chống rét, thường xuyên vệ sinh thùng nuôi ong đảm bảo khô ráo và sạch sẽ, kịp thời phòng trị bệnh cho đàn ong.
Ông Nguyễn Đức Thả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn, cho biết vào mùa đông, để đàn ong không bị chết rét, chết đói, HTX phải dùng rơm, lá chuối, vải cũ... để che chắn gió và thực hiện các biện pháp phòng chống các loài ong khác đến tấn công đàn ong mật để ăn nhộng. Nhờ đó, ong phát triển tốt, các hộ nuôi cũng không gặp những thiệt hại đáng tiếc.
Từ bao đời nay, đến chu kỳ khai thác mật, người dân chỉ vắt, lọc qua một lớp vải màn, đóng vào chai rồi đem bán cho khách có nhu cầu, không ai kiểm soát chất lượng. Cách làm truyền thống này khiến mật bị lẫn nhiều cặn bã, tạp chất; mật dễ lên men, đóng đường; thời gian bảo quản ngắn. Nhận thấy những bất lợi này, HTX Kinh Môn đã đầu tư máy móc để sơ chế mật.
Kiểm tra sức khỏe đàn ong giúp bảo đảm chất lượng khi thu hoạch. |
Đến mùa thu hoạch, mật được gom đồng loạt sau đó dùng máy quay li tâm tách mật ra khỏi bánh tổ ong ngay tại rừng. Lượng mật thu về được đóng can nhập số lô và vận chuyển về nhà xưởng. Thông qua hệ thống hạ thủy phần, mật được diệt men, diệt nấm, phá kết tinh. Cuối cùng cho vào bồn chứa, đóng mật vào chai, xuất bán ra thị trường.
Việc đầu tư máy móc giúp chất lượng sản phẩm được bảo đảm giúp mật đặc hơn, thời gian bảo quản lâu hơn và rất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó, Ban giám đốc còn quan tâm thiết kế logo, nhãn hiệu, tem mác và trang thông tin điện tử (website)… nhằm mở rộng đầu ra, thuận tiện cho quá trình giao dịch với khách hàng.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đến nay, HTX đã đủ điều kiện và được chứng nhận là mô hình nuôi ong đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP. Đặc biệt, HTX đã xây dựng thành công quy trình sản xuất khép kín, được kiểm tra nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, từ đó khẳng định được chất lượng đối với khách hàng trong và ngoài nước.
Mối cộng sinh giữa nuôi ong và giữ rừng
Một đàn ong trung bình cho thu hoạch khoảng 20kg mật mỗi năm và có thể bán với giá trung bình 80 – 100 nghìn đồng/kg. Ngoài bán mật, nhiều hộ còn nhân đàn mới với giá trên dưới 1 triệu đồng/ đàn. Nghề nuôi ong lấy mật đã giúp các thành viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở rừng Kinh Môn còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái. Để có vùng nguyên liệu an toàn cho ong lấy mật, HTX phải liên kết chặt chẽ cùng địa phương và nhân dân trong việc quản lý tốt diện tích đất rừng, phát triển trồng rừng, đồng thời kiểm soát sự du nhập của những giống ong lạ, ong ngoại lai xâm thực, tránh gây hại cho giống ong nội.
Rừng là môi trường hoàn hảo để phát triển nghề nuôi ong sinh thái. |
“Để thu được những sản phẩm mật ong nguyên chất giúp mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững, song song với việc nuôi ong, các thành viên đều phải có ý thức bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Đức Thả cho biết.
Thực tế, khi dựa vào lợi thế rừng có sẵn, người nuôi ong không phải tốn chi phí trồng cây tạo hoa để ong có thức ăn quanh năm. Bên cạnh đó, hoa rừng vốn được mệnh danh là hoa sạch, chỉ nở hoa một lần nên hương vị và màu sắc của mật ong do HTX Kinh Môn sản xuất không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn có sự độc đáo, thơm ngon mà hiếm nơi nào có được.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, hoạt động nuôi ong của HTX Kinh Môn đã và đang phát triển nhờ khai thác tốt diện tích rừng. Tuy nhiên, để nghề nuôi ong phát triển bền vững, ổn định, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi ong đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Tùng Lâm