Hiện, xã Kim Sơn có hàng chục hộ nuôi ong với hơn 4.000 đàn và sản lượng ong mật đạt 35.000 - 40.000 lít/năm. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Kim Sơn, Tổ trưởng THT ong mật Kim Sơn Nguyễn Xuân Quyền, từ chỗ nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 tổ, nay có hộ đã nuôi hàng trăm tổ, nhiều gia đình giàu lên nhờ biết đầu tư vào nuôi ong một cách có khoa học và chọn nghề nuôi ong làm hướng đi để xoá đói giảm nghèo.
Tận dụng lợi thế
Cũng theo ông Quyền, từ giữa những năm 1980, một số hộ gia đình ở Kim Sơn đã biết nuôi ong lấy mật nhưng dừng lại ở quy mô nhỏ. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người nông dân tại Kim Sơn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ các loại rau màu giá trị thấp sang cây ăn quả trên diện tích hơn 2.000 ha tạo điều kiện thuận lợi để nghề nuôi ong phát triển, đàn ong trong dân được nhân rộng.
Xã Kim Sơn nằm ở vùng gò đồi, bán sơn địa, giáp với hồ Đồng Mô nên mật ong thành phẩm có chất lượng tốt, vị ngọt thanh so với các nơi khác, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề, năm 2017, thị xã Sơn Tây đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển, 25 hộ tham gia chương trình được hỗ trợ 300 đàn ong và 1.000 vỏ thùng ong.
Tổ trưởng THT ong mật Kim Sơn Nguyễn Xuân Quyền (bên trái) giới thiệu mô hình nuôi ong của xã Kim Sơn (Ảnh: TL) |
Đến tháng 3/2018. THT ong mật Kim Sơn được xã thành lập với 30 hộ thành viên, tổng đàn ong là hơn 3.000 đàn, chủ yếu là giống ong nội. Ông Quyền cho biết, đến nay, các hộ tham gia sản xuất ổn định với 3 vụ thu hoạch mật chính là: xuân, thu, cuối năm.
Năng suất mật ong bình quân từ 10 - 12 lít/đàn/năm. Sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn Sơn Tây và các quận, huyện lân cận. Một số hộ nuôi ong quy mô lớn đã mang sản phẩm giới thiệu và mở rộng mạng lưới tiêu thụ ra các tỉnh phía Bắc.
Mật ong nhãn hiệu Kim Sơn được bán trên thị trường với giá từ 220.000 - 250.000 đồng/lít, góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Những hộ có quy mô chăn nuôi từ 150 - 500 đàn ong trung bình có lãi 700 - 800 triệu đồng/năm; những hộ nuôi quy mô nhỏ hơn, từ 20 - 30 đàn ong thì có lãi 30 - 40 triệu đồng/năm.
Ngoài nguồn thu từ khai thác mật, các hộ gia đình còn nhân đàn bán ong giống, bán phấn hoa... mang lại nguồn thu nhập ổn định 150-800 triệu đồng/hộ/năm. Không chỉ mang lại thu nhập cao, nghề nuôi ong mật còn được đánh giá là một nghề không gây lỗ và ổn định hơn so với việc chăn nuôi những giống vật nuôi khác, khiến người dân phấn khởi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Từng bước khẳng định thương hiệu
Khai thác tốt lợi thế, chính quyền địa phương đã chọn mật ong Kim Sơn để hỗ trợ phát triển trong Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đến tháng 10/2018, Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây phối hợp với CTCP Sở hữu công nghiệp Intertip thực hiện chương trình xây dựng nhãn hiệu tập thể Mật ong Kim Sơn – Sơn Tây với những mục tiêu cụ thể như: Phát triển, nhân rộng số lượng, quy mô các hộ nuôi ong, đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào nghề nuôi ong để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế hộ gia đình. Phát huy uy tín của sản phẩm, bảo vệ quyền lợi cho những người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm.
Ngày 4/12/2019, nhãn hiệu tập thể Mật ong Kim Sơn – Sơn Tây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 338741 theo Quyết định số 109703/QĐ-SHTT.
Sản phẩm mật ong Kim Sơn- Sơn Tây được chứng nhận nhãn hiệu tập thể (Ảnh: TL) |
Nhãn hiệu tập thể Mật ong Kim Sơn – Sơn Tây được xây dựng là dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị, uy tín của người nuôi ong xã Kim Sơn, là cơ hội lớn để UBND xã Kim Sơn, HTX Nông nghiệp Kim Sơn giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm của địa phương.
Tuy nhiên, do là sản phẩm nông nghiệp nên cũng như các mặt hàng nông sản khác, mật ong cho năng suất khác nhau theo từng mùa vụ và nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Quyền cho biết, những hộ nuôi ong số lượng lớn, có nhiều khách quen thì đầu ra sẽ ổn định hơn hộ nuôi số lượng nhỏ. Vấn đề đầu ra cho mật ong vẫn là một trăn trở với xã Kim Sơn.
Vì vậy, ông Quyền mong muốn các nhà nông ở Kim Sơn tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban ngành trong việc tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn sản xuất mật ong bảo đảm an toàn thực phẩm, hỗ trợ nhân cấy nghề nuôi ong, xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Bảo Hân