Ông Nguyễn Văn Tân ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến là thành viên của HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp, đang canh tác hữu cơ hơn 2 ha cà phê robusta khoảng 4 năm tuổi.
Canh tác hữu cơ và GlobalGAP tạo động lực vươn lên
Tham gia HTX từ những ngày đầu thành lập với mong muốn chung tay xây dựng thương hiệu cà phê cho huyện biên giới Bù Đốp, ông Tân cho biết thu nhập từ cà phê sạch (hơn 4 tấn hạt/năm) sau khi trừ chi phí đã đem về hơn 120 triệu đồng/năm cho gia đình.
HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp hiện có 7 thành viên với tổng diện tích vườn khoảng 10 ha, canh tác hữu cơ với mục tiêu hình thành thương hiệu cà phê sạch, cà phê nguyên chất Bù Đốp.
HTX cà phê nguyên chất Bù Đốp chọn canh tác hữu cơ với mục tiêu hình thành thương hiệu cà phê sạch, cà phê nguyên chất. |
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Trần Xuân Ngọc, HTX đang quyết tâm đưa sản phẩm cà phê nguyên chất Bù Đốp không chỉ chiếm lĩnh thị phần trong tỉnh mà còn phát triển ra ngoài tỉnh.
“Vì vậy, chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu, chứng minh sản phẩm cà phê của mình là hữu cơ và tốt cho người tiêu dùng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, hoàn thiện quy trình chế biến cùng các chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Ngọc chia sẻ.
Không chỉ với HTX nêu trên, việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác sản xuất kinh doanh nông sản sạch, canh tác theo hướng hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP… ở huyện Bù Đốp đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực, tạo việc làm cho lao động địa phương và giúp nhiều nông hết cảnh nghèo khó, tạo động lực vươn lên .
Đơn cử như HTX bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp ở xã Tân Tiến, ban đầu có 11 thành viên đã đầu tư canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Sau gần 5 năm, diện tích bưởi da xanh rộng 70 ha của HTX được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP đã mang lại thành quả bước đầu đầy triển vọng.
Nhờ xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm của HTX đã có mặt hầu khắp các siêu thị trong và ngoài tỉnh, giá bán luôn ổn định ở mức cao. Nhờ đầu tư quy mô, bài bản, khoa học nên HTX đang hướng đến sản phẩm chất lượng cao đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Giám đốc HTX Ngô Phước Khánh cho biết, Bù Đốp là huyện biên giới, nhiều vùng đất kém màu mỡ, nhưng bằng sự kiên trì, chịu khó của người dân, những khu vực vốn sình lầy vào mùa mưa, khô cằn, thiếu nước vào mùa khô, nay đã khoác lên mình màu xanh trù phú của nhiều loại cây ăn trái, trong đó chủ lực là các loại cây có múi mà đứng đầu là bưởi da xanh được canh tác theo chuẩn GlobalGAP.
Cần nhân rộng để giúp dân thoát nghèo
Theo ông Khánh, huyện Bù Đốp cùng với HTX đã từng bước đưa sản phẩm bưởi da xanh vào quy trình đánh giá chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo hướng GlobalGAP, bưởi da xanh được sản xuất hữu cơ sạch, từ đó đầu ra nông sản được ổn định.
“HTX phải tuân thủ 252 tiêu chuẩn, trong đó có 36 tiêu chuẩn phải tuân thủ đúng 100%, 127 tiêu chuẩn phải tuân thủ đến mức 95% và 89 kiến nghị, khuyến cáo của nhà tư vấn cần phải thực hiện”, ông Khánh thông tin.
Nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp đang dần chuyển đổi sang canh tác cây có múi theo hướng hữu cơ, giúp đời sống ngày càng được nâng lên. |
Với cách làm bài bản, khoa học, có mục tiêu rõ ràng, vườn bưởi của HTX bưởi da xanh GlobalGAP Bù Đốp đã thật sự là mô hình điểm để những ai đam mê, có chung sở thích chọn cây trồng này phát triển kinh tế đến học tập, vận dụng vào thực tiễn. Nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp cũng đã tìm đến tìm hiểu và dần chuyển đổi sang canh tác cây có múi theo hướng hữu cơ, giúp đời sống ngày càng được nâng lên.
Ngoài trái bưởi, ở Bù Đốp còn mô hình mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện tại ấp Tân Lập, xã Phước Thiện cũng được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Giám đốc Nguyễn Viết Vị cho biết, mít ruột đỏ của HTX cơ bản về mặt tiêu chuẩn đã đảm bảo, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng các quy trình kiểm tra kết quả, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và tiêu chí môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế.
HTX có 18 thành viên và diện tích sản xuất trên 500 ha chuyên canh cây mít, vú sữa hoàng kim, ổi trân châu ruột đỏ, chuối tím… HTX được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu ở Bù Đốp trong sản xuất giống cây mới là những loại cây ăn trái khác lạ, hiếm có, chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, HTX Phước Thiện áp dụng kỹ thuật VietGAP và ứng dụng mô hình tưới nước tự động, sử dụng chế phẩm sinh học đủ tiêu chuẩn. Khi đến thời gian nhất định, HTX dùng bao nilon chuyên dụng bọc quả nhằm hạn chế côn trùng cũng như bảo vệ bảo khi vào mùa mưa.
HTX luôn đặt những tiêu chuẩn sản xuất xanh - sạch lên hàng đầu nhằm đảm bảo chất lượng nông sản cũng như sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất. Đây là tiêu chuẩn bất di bất dịch của HTX nên được các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt.
Cây mít ruột đỏ tại HTX Phước Thiện có thể cho trái quanh năm. Cây sai trái, năng suất cao, trung bình khoảng 100-150 trái/cây. Mỗi trái nặng 10-15 kg nên mang lại hiệu quả kinh tế 500-1 tỷ đồng/ha, từ đó giúp cho mức sống của các thành viên và các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết cùng HTX ngày càng cải thiện và nâng cao.
Có thể nói, tính hiệu quả và tính khả thi của việc sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ hoặc đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP mà một số HTX ở Bù Đốp đang làm rất cần được nhân rộng để giúp dân thoát nghèo.
Nhất là khi những HTX này đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao, đầu tư canh tác theo hướng bền vững trong sản xuất cây trồng, tạo ra chuỗi liên kết giá trị cao, đáp ứng người tiêu dùng.
Qua đó góp phần thay đổi lối canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất thủ công, giá trị thấp, thụ động trong sản xuất và tiêu thụ như trước đây, giúp cho đời sống của các nông dân ở huyện biên giới được sung túc hơn. Và thiết thực nhất là góp phần giúp cho tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bù Đốp ngày càng giảm nhanh, tiến tới không còn hộ nghèo.
Thanh Loan