HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang ở xã Bình Hòa Trung (huyện Mộc Hóa) được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả của tỉnh Long An, có doanh thu ổn định, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương. HTX sản xuất 1.500ha lúa và phối hợp một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Ngọc Lợi, Công ty Đại Tài,…để tiêu thụ.
Cùng HTX tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa
Trước khi tham gia làm thành viên của HTX, bà Lê Thị Mười cho biết, gia đình có 1,6ha lúa, chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống, nhỏ, lẻ nên việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, hay bị thương lái ép giá. Lúa giống chủ yếu mua ở các nhà máy sấy nên năng suất và chất lượng thấp.
HTX Dịch vụ, Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Hương Trang đang sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, mang lại lợi ích cho nông dân. |
Từ khi trở thành thành viên của HTX Hương Trang, nhờ thường xuyên được dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do HTX phối hợp ngành chức năng tổ chức nên hiệu quả canh tác của gia đình được nâng lên rõ rệt. Hơn nữa, bà cũng không lo đầu ra vì được HTX bao tiêu, giá cả lại ổn định, bán lúa giá cao hơn từ 300-500 đồng/kg so với giá thị trường.
Thời gian qua, phát huy lợi thế về giao thông, thủy lợi nội đồng vì có trạm bơm điện và bờ bao khép kín nên thành viên HTX Hương Trang chủ động được khâu tưới, tiêu và mùa vụ trong sản xuất. Mỗi năm, các thành viên có thể sản xuất được 2 vụ lúa chính: Đông Xuân và Hè Thu, chủ yếu các giống lúa: OM 18, OM 5451,…với năng suất và chất lượng tương đối cao.
Khi tham gia vào HTX Hương Trang, các thành viên (nhất là nông dân sản xuất nhỏ, lẻ) có thể liên kết lại với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa, mang lại lợi ích cho nông dân.
Hàng tháng, HTX tổ chức họp định kỳ để triển khai phương án sản xuất, thống nhất mùa vụ, giống lúa, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như lịch bơm tưới vào từng thời điểm cho phù hợp. Khi đến mùa vụ, thành viên sẽ đồng loạt xuống giống nên hạn chế được sâu, bệnh. Sau khi thu hoạch, thành viên được các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên giá cả ổn định.
Bên cạnh đó, HTX Hương Trang còn thực hiện mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với hàng trăm ha, quy tụ nhiều hộ nông dân tham gia. Nông dân được hỗ trợ 70% lượng giống gieo sạ, hỗ trợ 50% chi phí thiết bị bay phun thuốc, được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng trong suốt quá trình sản xuất.
Ông Trần Văn Sửa, Chủ tịch HĐQT HTX Hương Trang, cho biết: Thông qua việc thực hiện mô hình hay ký kết liên kết bao tiêu đầu ra với các công ty, doanh nghiệp, thành viên HTX không chỉ tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác mà còn thay đổi phương thức, tư duy sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, không sản xuất theo cái mình đang có. Điển hình, các thành viên HTX chú trọng sử dụng giống lúa xác nhận, chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Trồng lúa công nghệ cao giúp nông dân hưởng lợi
Năm 2023, huyện Mộc Hóa phấn đấu diện tích lúa cả năm đạt 41.730ha, năng suất bình quân 58,9 tạ/ha, sản lượng 246.000 tấn, ưu tiên sản xuất các giống phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường như ST 24, ST 25, RVT, VD 20,…
Các mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao ở huyện Mộc Hóa được nông dân đồng tình, hưởng ứng tham gia. |
Hồi năm ngoái, huyện Mộc Hóa triển khai 15 mô hình nhân rộng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 920ha. Qua đó, góp phần nâng diện tích thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện là 5.487/6.400ha, đạt 85,7% kế hoạch đến năm 2025.
Các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Mộc Hóa bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, được nông dân đồng tình, hưởng ứng tham gia.
Trong đó cần phải ghi nhận có sự góp sức lớn của các HTX nông nghiệp. Lợi nhuận từ các mô hình triển khai cao hơn ngoài mô hình từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha do người dân giảm giống, giảm phân bón, thuốc phòng bệnh và áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Theo ông Sửa, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa giúp nông dân có nhiều cái lợi. Việc sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa, sạ hàng và sử dụng phân vi sinh giúp lúa ít sâu, bệnh, mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn và góp phần bảo vệ môi trường.
“Song song đó, việc áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giúp nông dân tăng lợi nhuận đáng kể so với phương pháp sản xuất truyền thống”, Chủ tịch HTX Hương Trang chia sẻ.
Còn theo ông Dương Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa ở xã Bình Hòa Đông (huyện Mộc Hóa), lợi nhuận của nông dân khi tham gia vào mô hình cao hơn bên ngoài từ 2,5-3 triệu đồng/ha/vụ, do giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Điều mong mỏi với vai trò đóng góp quan trọng của mình, các HTX, tổ hợp tác trong huyện Mộc Hóa khi tham gia các mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao phải là trung tâm đoàn kết, tập hợp nông dân trồng lúa tích cực áp dụng theo quy trình sản xuất mới. Để từ đó giúp đời sống nông dân trồng lúa hết bấp bênh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ cây lúa chất lượng cao.
Thanh Loan