Cây nhãn là cây trồng truyền thống ở nhiều địa phương tại tỉnh Bình Phước, điển hình như vùng trồng nhãn ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long. Về Thanh An, đến đâu cũng có thể bắt gặp những vườn nhãn đều tăm tắp, mỗi năm cho doanh thu bạc tỷ, làm giàu bền vững cho nông dân.
Kiên trì với lối đi riêng
Sở hữu vườn nhãn 4 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ông Nguyễn Văn Tiến là một trong những người trồng nhãn có tiếng nhất ở Thanh An. Đã hơn 25 năm qua, ông Tiến nếm trải đủ mọi thăng trầm với cây nhãn, có lúc được mùa trúng lớn, cũng có lúc mất mùa, giá không như kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, cây nhãn suy cho cùng vẫn là cây kinh tế chủ lực, không chỉ giúp nhiều nông dân địa phương thoát nghèo, mà còn giúp không ít hộ có “của ăn, của để”. Nhãn ở Thanh An chủ yếu là giống nhãn tiêu da bò, cùi dày, hạt nhỏ, ngọt thanh nên rất được lòng khách hàng.
Nhãn đang là một trong những cây trồng chủ lực ở Bình Long, Bình Phước (Ảnh: BBP). |
“Chăm sóc tốt, nhãn có thể cho năng suất bình quân 10-15 tấn/ha. Vẫn có những băn khoăn về bài toán tiêu thụ, nhưng nhìn chung giá nhãn ít khi xuống quá thấp, đảm bảo thu nhập cho người trồng. Năm 2023, tôi thu về 45 tấn nhãn, giá bán bình quân 10-12 nghìn đồng/kg, thu nhập trên 400 triệu đồng. Nhờ có nhãn, nông dân Thanh An chưa bao giờ lo đói”, ông Tiến chia sẻ.
Năm 2024 này, vườn nhãn của ông Tiến cũng dự kiến cho năng suất tương đương vụ trước, khoảng 45-50 tấn. Với giá bán hiện tại, gia đình ông “ăn chắc” trên dưới 500 triệu đồng doanh thu. Nguồn thu từ cây nhãn, cùng mô hình kinh tế tổng hợp đang giúp gia đình ông Tiến có nhà lầu, xe hơi, kinh tế vững vàng.
Không chỉ có gia đình ông Tiến, ở ấp Thanh An đang có có hàng chục hộ trồng nhãn có kinh tế khá giả. Trải qua thăng trầm về giá cả, trong khi nhiều hộ chuyển đổi cây trồng, ông Tiến và nhiều gia đình trong ấp vẫn quyết tâm gắn bó với cây nhãn.
Sau chuyện khởi nghiệp của nông dân trồng nhãn ở thị xã Bình Long, xuôi xuống phía Nam về thị xã Chơn Thành lại bắt gặp ngay câu chuyện khởi nghiệp của những người trồng dó bầu (loài cây thuộc họ Dó – Aquilaria, có khả năng tụ trầm cao).
Ông Nguyễn Trung Song, phường Minh Thành, đang là một trong những hộ trồng dó bầu thành công nhất ở Chơn Thành. Nhớ lại hành trình khởi nghiệp của mình, ông Song cho biết cây dó bầu nổi lên tại địa phương từ đầu những năm 2000, nhưng sau đó nhiều hộ canh tác buộc phải lựa chọn chặt bỏ, trồng cây khác vì kỹ thuật trồng dó bầu quá phức tạp, nhiều rủi ro.
Thành công nhờ không bỏ cuộc
Khi thấy những hộ xung quanh ồ ạt chặt dó bầu để trồng cây khác, ông Song cũng không khỏi hoang mang, nhưng vì đã quyết tâm gắn bó với giống cây trồng mới, đồng thời chuẩn bị đủ hành trang “lấy ngắn nuôi dài”, ông đã giữ lại vườn. Kể từ đó trải qua hơn 10 năm chỉ “lấy công làm lãi”.
“Hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu trồng, có năm tôi chỉ bán được vài cây, tiền thu không đủ bù chi phí. Phải đến năm 2017, khi một doanh nghiệp biết đến và đặt mua số lượng lớn, vườn dó bầu của tôi mới bắt đầu cho thành quả. Năm đó, tôi bán hơn 1 nghìn cây, doanh thu gần 5 tỷ đồng”, ông Song hồ hởi nhớ lại.
Nông dân Bình Phước đang có nhiều hướng làm giàu, cây dó bầu là một điển hình (Ảnh: BBP). |
Sau thành công của lứa thu hoạch đầu tiên, ông Song như được tiếp thêm “doping”, bắt tay ngay vào triển khai các vụ tiếp theo. Đến nay, gia đình ông có 25.000 cây dó bầu, trồng xen trong 7 ha cao su, cây đang ở tuổi thứ 4. Đường kính trung bình mỗi cây khoảng 10-15cm, cao 3-4m.
Dự kiến, từ năm thứ 7 trở đi, dó bầu sẽ cho thu hoạch. Với quy mô hiện tại, ông Song chỉ cần bán với giá 500 ngàn đồng/cây, thì 7 ha sẽ cho thu hơn 12 tỷ đồng. Đặc biệt, gia đình ông đang xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến tinh dầu trầm để tăng giá trị kinh tế.
Nếu ông Nguyễn Trung Song và nhiều người dân ở thị xã Chơn Thành đang gặt hái thành công với cây dó bầu, thì ở huyện Bù Đốp, các thành viên, nông dân liên kết của HTX Phước Thiện lại đang bội thu với mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, nhờ những cách làm mới, hiện đại và an toàn.
HTX Phước Thiện là một trong 5 mô hình thí điểm được tỉnh Bình Phước chỉ đạo hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện nhằm tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng. Đến nay, HTX Phước Thiện được lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT, camera giám sát vườn cho 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho biết: “Từ khi áp dụng chuyển đổi số, chi phí của HTX đã giảm 15-40%, mang lại hiệu quả tốt hơn. Hệ thống tưới tự động, điều khiển từ xa kiểm soát được độ ẩm của đất cũng như lượng nước phù hợp, từ đó tiết kiệm nhân công, nước tưới”.
Sản xuất theo công nghệ giúp thành viên HTX nắm rõ các thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm, điều chỉnh tưới nước, bón phân từ xa chỉ bằng điện thoại thông minh. Qua đó hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Hiện, dù chỉ chiếm 5% tổng diện tích mít toàn tỉnh, nhưng nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ số, mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện đang dần xây dựng chỗ đứng riêng trên thị trường trong và ngoài nước.
Có thể nói, với những nông dân, HTX chủ động, sáng tạo, kiên trì với lối đi riêng, diện mạo nông nghiệp tỉnh Bình Phước những năm qua đã có chuyển biến toàn diện. Chỉ trong vài năm trở lại đây, tỉnh Bình Phước nổi lên là địa phương có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, gắn với các mô hình sản xuất, tiêu thụ theo phương thức nông nghiệp thông minh.
Đến nay, Bình Phước đã cấp 19 mã số cơ sở vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 1.997,8ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm; có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic...
Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác. Đề cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu để phát triển kinh tế được ổn định và bền vững hơn.
Lệ Chi