Các HTX, tổ hợp tác (THT) đóng vai trò quan trọng dẫn dắt người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cây trồng, đặc biệt là quả nho, cây nha đam... vào sản xuất hiệu quả trong điều kiện nắng hạn.
Chủ động giữ ẩm cho đất trồng nho
Với gần 3 sào nho nhưng sản lượng nho thu hoạch ước đạt hơn gần 7 tấn, anh Nguyễn Văn Tấn, thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp nho Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) vẫn thu lãi hơn 130 triệu đồng dù thời gian vừa qua bị dịch Covid -19 hoành hành, nho mất giá, còn 22 ngàn đồng/kg. Có được kết quả này là nhờ HTX Thái An đã phổ biến kỹ thuật giữ ẩm cho đất bằng cách tăng cường nguồn phân hữu cơ cho cây nho.
Khi đất không sử dụng phân hóa học, thuốc diệt cỏ sẽ tự động mọc và thực hiện giữ ẩm. Ngoài ra, HTX còn kết hợp phủ một lớp rơm lên quanh gốc nho hoặc trồng xen cây họ đậu dưới vườn nho. Cách làm này giúp lượng nước trong đất không bị bốc hơi do ánh nắng mặt trời.
Sử dụng phân hữu cơ cũng là cách giữ ẩm cho đất hiệu qủa ở Ninh Thuận (Ảnh: TL) |
Nếu như trước đây, mỗi tuần, người dân phải tưới nước một lần thì nay khoảng 10 ngày, cây nho mới cần nước tưới. Không dừng lại ở đó, hiện 30 ha nho của HTX đều được đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm. Dù thời tiết khô hạn nhưng nước tưới được đảm bảo, cây phát triển mạnh.
“Tưới tiết kiệm so với tưới tràn kiểu cũ đỡ được rất nhiều tiền công. Ở đồng nho Thái An này, nếu không có công nghệ tưới tiết kiệm thì chắc chắn không thể phát triển được hết toàn cánh đồng. Nhờ công nghệ mà bà con mới mở rộng được diện tích trồng trọt, khai thác tối đa hiệu quả của vườn”, ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX, cho biết.
Những năm trước đây, khi thời tiết nắng nóng, vào mùa hè, người dân xã An Hải (huyện Ninh Phước) đều bỏ hoang đất vì thiếu nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân đã cùng nhau thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú và cùng nhau trồng măng tây theo chuỗi giá trị. Không chỉ liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, điều đáng ghi nhận là các thành viên đã biết lựa chọn được giống cây phù hợp với điều kiện thời tiết nắng hạn, kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm để thay đổi tình thế.
Để nâng cao thu nhập, các thành viên còn trồng đậu phộng xen canh với măng tây xanh kết hợp áp dụng biện pháp rải rơm giữ ẩm để nâng cao năng suất.
Hiện, 1ha măng tây xanh sau một năm rưỡi đã có thể giúp thành viên thu hồi vốn và sau đó cho thu nhập hàng năm từ 400–500 triệu đồng/ha (đã trừ chi phí). Sản phẩm măng tây xanh hiện có thị trường rất tốt, triển vọng xuất khẩu cũng rất khả quan.
Nâng cao giá trị sản xuất
HTX Thái An và HTX Tuấn Tú chỉ là hai trong số những mô hình hoạt động hiệu qủa trên vùng đất khô hạn Ninh Thuận trong những năm gần đây.
Ninh Thuận vốn là vùng khô hạn, thiếu nước tưới. Đất đai ở đây chủ yếu là vùng đất cát nên vấn đề cung cấp nước tưới là vô cùng quan trọng đối với người dân.
Tuy nhiên, khi các HTX ra đời và chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư trang thiết bị sản xuất theo hướng công nghệ cao giúp giữ ẩm, giữ phân, hạn chế được cỏ dại cũng như giảm lượng nước tưới cho năng suất cao hơn.
Nha đam là mọt trong những cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết ở Ninh Thuận (Ảnh: TL) |
Theo ngành nông nghiệp địa phương, việc các HTX, người dân đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm giúp mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm được công lao động, giảm chi phí diệt trừ cỏ. Trong điều kiện khô hạn thường xảy ra như Ninh Thuận, đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay. Trước đây, các mô hình tưới tiết kiệm được Nhà nước hỗ trợ và đến nay, người dân, HTX ý thức được hiệu quả nên tự bỏ chi phí đầu tư.
Với sự dẫn dắt của HTX, tổ hợp tác trong mối liên kết 4 nhà đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xác định được đâu là cây trồng phù hợp.
Hiện, nha đam, măng tây, nho, táo, đậu phộng, bưởi da xanh... là những cây trồng đặc thù tại đây, giúp người dân phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Không ít HTX đã dẫn dắt người dân sản xuất thành công như: HTX nha đam Ninh Thuận (huyện Thuận Nam), HTX Nho Evergreen Ninh Thuận (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) hay mô hình trồng măng tây của HTX nông nghiệp Châu Rế (huyện Ninh Phước...).
Dự kiến đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ nâng diện tích cây nha đam lên 550 ha, măng tây xanh và bưởi da xanh lên hàng ngàn ha. Để đạt được mục triêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung phát triển các HTX, THT nhằm khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính vùng đất khô hạn
Huyền Trang