Chưa khai thác được tiềm năng
Theo thống kê của Bộ Y tế, nhu cầu sử dụng dược liệu của Việt Nam từ 60.000 - 80.000 tấn/năm, trong khi đó, Việt Nam mới chỉ sản xuất được 15.000 - 18.000 tấn/năm. Số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc. Đáng chú ý, tiềm năng lợi thế về đất đai của Việt Nam dưới tán rừng trồng, dưới tán cây công nghiệp để trồng cây dược liệu như sâm, đinh lăng là rất lớn, nhưng việc khai thác còn rất hạn chế. Điều này đã và đang gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên đất đai.
Trước thực tế đó, nhằm khai thác tối đa hiệu quả từ đất, nhất là dành cho các HTX nông nghiệp tại các địa phương có tiềm năng, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây đinh lăng dược liệu với cây công nghiệp theo tiêu chuẩn phù hợp với quy mô HTX nông nghiệp”.
Hội đồng nghiệm thu đề tài Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây đinh lăng dược liệu với cây công nghiệp theo tiêu chuẩn phù hợp với quy mô HTX nông nghiệp (Ảnh: Phạm Duy) |
Tại buổi báo cáo với Hội đồng nghiệm thu đề tài vừa diễn ra, nhóm nghiên cứu cho biết, qua quá trình nghiên cứu từ thực tiễn và việc triển khai hỗ trợ thí điểm 2 HTX Cựu chiến binh Cẩm Mỹ và HTX Cẩm Tiên cùng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai trồng cây đinh lăng xen canh cây cao su cho thấy, sau thời gian một năm triển khai trồng thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả.
Theo đó, đinh lăng là loại cây ưa bóng râm, chịu ẩm và sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán cây cao. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, cứ 6 tháng, nông dân có thể thu hoạch được khoảng 600kg lá tươi và 1.500kg thân, rễ tươi/1.000m2. Tức là bình quân 1 gốc cho 0,2kg lá (giá bán 2.000 đồng/kg) và 0,5kg thân, rễ (20.000 đồng/kg).
Cũng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu đề tài, việc trồng cây đinh lăng dưới tán cây công nghiệp vừa giảm được nhân công làm cỏ, bón phân cho các loại cây này, đồng thời còn khai thác tối đa hiệu quả trên diện tích đất, bởi cùng một công chăm bón, người dân có thể chăm sóc cho cả hai loại cây.
Ts. Hoàng Mạnh Thắng, Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, việc trồng xen canh cây đinh lăng dưới tán rừng trồng, dưới tán cây công nghiệp không phải là đề tài mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay rất phù hợp và khai thác được hết tiềm năng, lợi thế của đất, nhất là đối với các HTX đang hạn chế về diện tích đất.
Có thể triển khai nhân rộng
Theo Ts. Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, việc triển khai trồng cây đinh lăng dưới tán cây công nghiệp tại Việt Nam sẽ góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng giá trị diện tích đất, tận dụng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế. Hiện tại, diện tích đất trồng cây công nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nhiều HTX nông nghiệp, lâm nghiệp ở Việt Nam lại hạn chế về quỹ đất, diện tích đất để sản xuất. Do vậy, làm thế nào để khai thác được năng suất, hiệu quả diện tích đất dưới tán cây công nghiệp là bài toán cần có lời giải.
Phó Chủ tịch Lê Văn Nghị cho rằng: “Việt Nam hiện có trên 664.000 ha cà phê, 960.000 ha cao su, 337.143 ha điều. Đây là diện tích rất lớn mà nhiều năm qua chúng ta chưa tính đến để khai thác. Dưới tán cây công nghiệp thường ít nắng, nếu trồng các loại rau màu khác thì không hiệu quả, trong khi cây đinh lăng lại thích hợp dưới tán cây lớn, cớm và ít cần ánh sáng. Tiềm năng này sẽ cho hiệu quả rất lớn nếu chúng ta biết khai thác, tận dụng trồng cây dược liệu”.
Mô hình trồng đinh lăng dưới tán cây cao su được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: TL) |
Từ thực tiễn tìm hiểu và nghiên cứu của mình tại một số mô hình trồng xen canh cây dược liệu, cây sâm dưới tán rừng tại một số địa phương ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, PGS.TS Nguyễn Thị Hằng Nga, Khoa Hoá sinh, Trường Đại học Thuỷ lợi cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dược liệu của người Việt là rất lớn. Nếu chúng ta biết khai thác thì hiệu quả kinh tế của việc trồng xen canh cây đinh lăng, cây sâm đem lại rất cao.
“Ngoài việc trồng cây đinh lăng dưới tán cây cao su, tôi cho rằng, chúng ta nên triển khai trồng dưới tán cây cà phê, cây điều, bởi diện tích đất trồng cà phê, điều của Việt Nam tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, một số tỉnh miền Trung và phía Bắc là rất lớn”, PGS.TS Nguyễn Thị Hằng Nga phân tích.
Phạm Duy