Nhờ chú trọng áp dụng khoa học công nghệ và xây dựng chuỗi giá trị, mô hình sản xuất của HTX Thanh Hà cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, giúp thành viên và người dân nâng cao đời sống.
Theo đuổi sản phẩm sạch
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2013, HTX Thanh Hà được thành lập với diện tích canh tác 1,5ha chuyên trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, khu trồng rau của HTX đang duy trì trồng 2 dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby theo tiêu chuẩn VietGAP.
Rau mầm được trồng từ các loại hạt: cải, muống, hành tây, đỗ xanh, đỗ đỏ…, sau 4 - 10 ngày trồng là thu hoạch. Còn rau baby là các loại rau ăn lá phát triển đạt khoảng 40 - 50% khả năng sinh trưởng thông thường. Do là các loại rau được thu hoạch sớm nên nhiều dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã vì thế được người tiêu dùng đánh giá cao.
Hiện, HTX có 8 loại rau mầm, tiêu thụ hầu hết tại các siêu thị lớn và các cửa hàng thực phẩm an toàn ở Hà Nội như: Rau củ cải đỏ, củ cải trắng, cải ngọt, rau muống, hướng dương, đậu nành, đậu Hà Lan, đại mạch. Giá bán buôn cho siêu thị từ 90.000 - 140.000 đồng/kg, cao nhất là rau mầm củ cải đỏ có giá 145.000 đồng/kg.
Ngoài ra, HTX còn có nhiều loại rau baby như: cải ngọt, cải thìa, cải mơ cải đuôi phụng, cải Joeket, cải Nizula. Đặc biệt, HTX hiện là đơn vị duy nhất ở Hà Nội cung cấp giống rau “baby leaf” với giá 55.000 đồng/kg.
Khu vực nhà màng trồng rau mầm theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Thanh Hà. |
Theo bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX, trồng rau mầm và rau baby đúng tiêu chuẩn cần phải hạn chế được những tác động tiêu cực từ môi trường. Chính vì vậy, HTX đã lắp 8.000m2 nhà màng cùng với hệ thống tưới phun tự động, 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ. Rau được thu hoạch, sơ chế tại chỗ nhằm hạn chế tình trạng dập nát. Ngay cả khi bảo quản hay vận chuyển cũng phải bảo đảm trong môi trường lạnh với nhiệt độ thích hợp.
Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 150 - 200kg rau các loại. Doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỷ đồng/ha, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức lương ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý, nhờ tuân thủ những công đoạn nghiêm ngặt theo quy trình an toàn, HTX đã đưa các sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện, 14 loại rau của HTX đã được công nhận đạt 4 sao OCOP do UBND TP Hà Nội cấp.
Đóng góp xây dựng nông thôn mới
Tất cả các sản phẩm sau khi được công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in và dán trên bao bì sản phẩm. Việc này sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của HTX có chỗ đứng vững trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Kết quả này có tác động quan trọng để xã Ninh Sở thúc đẩy quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế của địa phương, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hiện, xã Ninh Sở đang xây dựng NTM nâng cao, trong đó tập trung vào đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững…
Để làm được những điều này, xã rất coi trọng việc các mô hình kinh tế hợp tác tham gia chương trình OCOP là nền tảng vững chắc giúp phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế địa phương theo chuỗi giá trị. Trong đó, hoạt động hiệu quả của HTX Thanh Hà khi có nhiều sản phẩm đạt 4 sao OCOP đã giúp xã nâng cao một số tiêu chí NTM. Bên cạnh đó là giúp hạn chế tình trạng người dân di cư từ nông thôn ra thành thị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động sản xuất tại địa phương.
Tận dụng thế mạnh trong phát triển nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng giúp nâng cao các tiêu chí nông thôn mới ở Ninh Sở. |
Theo đại diện UBND xã Ninh Sở, mô hình chuỗi của HTX Thanh Hà góp phần nâng cao giá trị hàng hóa cũng như khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của địa phương trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Khi tham gia chương trình OCOP, HTX được xã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đồng thời được hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đầu tư thành phẩm, mẫu mã, bao bì, hướng tới tiêu chuẩn cao hơn.
Từ mô hình sản xuất của HTX Thanh Hà, xã cũng khuyến khích người dân mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó tạo điều kiện các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện an sinh xã hội, hướng đến hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao vào năm 2021.
Huyền Trang