Sáng ngày 27/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Phát huy vai trò của HTX trong liên kết kinh doanh để phát triển bền vững.
HTX là "mắt xích" liên kết quan trọng
Thống kê của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy, dự kiến hết năm 2020, cả nước có trên 17.000 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 57 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Trong số này có 3.913 HTX liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp (DN), chiếm 22,8%.
TS. Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đánh giá HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong liên kết chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX giúp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; đầu mối tiếp nhận, chuyển giao chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác.
HTX là đầu mối liên kết quan trọng giữa nông dân với doanh nghiệp. |
Lấy ví dụ điển hình ở Sơn La, ông Định cho biết, hiện tỉnh này có 345 HTX nông nghiệp, trong đó có 200 HTX chuyên về sản xuất trái cây. Việc đẩy mạnh phát triển mô hình HTX đã giúp Sơn La trở thành vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước.
Đặc biệt, HTX cũng chính là "bà mối" kết nối người nông dân với DN. Thống kê cho thấy đang có khoảng 37 DN đầu tư nhà máy chế biến trái cây ở Sơn La. "Rõ ràng việc tổ chức sản xuất nông nghiệp thông qua các HTX đã trở thành lực hấp dẫn, tự kéo DN vào tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, hình thành chuỗi giá trị nông sản", ông Định nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN (CIEM), cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia nhiều FTA, việc thúc đẩy liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. HTX là trung tâm liên kết, kết nối người sản xuất và DN, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, khủng hoảng thiên tai, HTX càng thể hiện rõ vai trò giải quyết vấn đề đầu ra cho sản xuất nông sản. Hay nói cách khác HTX là "bệ đỡ" cho người sản xuất, hộ nông dân. HTX góp phần giúp nông dân sản xuất nông sản cạnh tranh hơn, giảm chi phí sản xuất.
Theo đó, bà Luyến cho rằng cần có chính sách hỗ trợ linh hoạt đối với HTX. Để HTX ra đời và phát triển tốt rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, điện, nước; tuyên truyền, khuyến khích, quảng bá cho các HTX.
Hiện thực hóa chính sách hỗ trợ
Theo TS. Phạm Minh Điển, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách và Phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam, trong giai đoạn 2015-2020, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ HTX, các chính sách này đã cụ thể hóa trong Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX; Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015- 2020 và Thông tư hướng dẫn các bộ ngành. Trong đó, gồm có 6 chính sách hỗ trợ chung, 2 ưu đãi về thuế, lệ phí; 5 chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng đối với các HTX nông nghiệp.
Tính đến nay, đã có 19.000 lượt HTX được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước với tổng kinh phí khoảng 3.436 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương khoảng 2.141 tỷ đồng, chiếm 62%). Trung bình mỗi năm có hơn 3.000 HTX được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi, chiếm 16% tổng số HTX trên toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Điển cũng cho biết chính sách hỗ trợ HTX còn tồn tại, hạn chế. Đơn cử, số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 4%) so với tổng số khoảng 6 triệu cán bộ, thành viên HTX cả nước; Chỉ 6% số HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại; 4,1% số lượng HTX được hỗ trợ thông qua các đề tài, công trình nghiên cứu về khoa học và công nghệ; mới có 10% số HTX được vay vốn ưu đãi...
Do vậy, ông Điển cho rằng, chính sách hỗ trợ đối với các HTX phải thiết thực, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm từng thời kỳ phát triển, tránh dàn trải. Việc hỗ trợ phải đúng mục tiêu, đối tượng, tiêu chí, có căn cứ khoa học để có thể đánh giá được hiệu quả của chính sách. Kinh phí hỗ trợ phải kịp thời, đúng mức để vừa phát huy vai trò hỗ trợ, "bà đỡ" của Nhà nước, vừa phát huy vai trò chủ động, tự chủ của HTX.
Để khu vực HTX tham gia vào liên kết chuỗi chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Tiến Định cho rằng cần phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật, thành viên HTX...
Đặc biệt, đại diện Bộ NN&PTNT kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế chính sách HTX liên kết như tiếp cận vay vốn tín dụng theo chuỗi giá trị; cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai của HTX, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng...
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM, Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ đặc thù để giúp khu vực HTX thực hiện đúng "sứ mệnh" là đầu mối liên kết trong chuỗi giá trị, phải định vị rõ được vị trí của khu vực HTX trong phát triển kinh tế của đất nước.
Thy Lê