Ngày 18/6, bà Lê Thị Tâm - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết từ tham mưu của Liên minh HTX tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra công văn mới (ngày 16/6/2016) để kịp thời biểu dương các HTX, các cấp huyện tích cực tổ chức lại HTX, nhất là hai huyện Yên Mô, Nho Quan và Tp.Tam Điệp đã sớm hoàn thành 100% HTX chuyển đổi.
Kiên định cách chỉ đạo thực chất
Theo báo cáo đến giữa tháng 6/2016, toàn tỉnh Ninh Bình có 314 HTX, ngoài 24 HTX thành lập mới, số lượng HTX trong diện tổ chức lại theo Luật HTX 2012 chiếm 84%. Đến nay, tỉnh chỉ còn 39 HTX chưa làm xong việc tổ chức lại (chiếm tỷ lệ 1,2%), trong đó tính cả 11 HTX ngừng hoạt động, không thể tổ chức lại và đang đề nghị giải thể.
Từ chỉ đạo của UBND tỉnh tổ chức lại HTX một cách thực chất, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cấp ngành triển khai chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012, trong đó ưu tiên hướng chuyển đổi HTX gắn với hợp nhất, sáp nhập HTX lên quy mô toàn xã.
Với vai trò tổ chức đại diện, Liên minh HTX tỉnh chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành và triển khai Đề án 22 về phát triển HTX, tạo nguồn kinh phí và cơ chế chính sách quan trọng về hỗ trợ đào tạo cán bộ HTX, vay vốn, ứng dụng tiến bộ công nghệ, xúc tiến thương mại…
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cử cán bộ đi sâu sát huyện và xã, kịp thời nắm bắt thực tế và tư vấn HTX về quy trình, các bước chuyển đổi, hướng dẫn xây dựng điều lệ, phương án hoạt động khả thi tùy theo điều kiện từng HTX… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả, tăng cường tham quan, học hỏi kinh nghiệm hoạt động giữa các HTX trong tỉnh với nhau.
Các HTX Ninh Bình tham dự hội nghị liên kết sản xuất tại HTX Sinh Dược
Tín hiệu nâng cao chất lượng HTX
Theo bà Lê Thị Tâm, trước chuyển đổi, Ninh Bình có tổng số 334 HTX, đến nay tỉnh còn 314 HTX. Tuy số lượng HTX giảm xuống, nhưng quy mô HTX lớn hơn và chất lượng hoạt động tăng lên. Đó là kết quả quá trình kiên định chuyển đổi HTX thực chất, chú trọng gắn chuyển đổi với sáp nhập, hợp nhất HTX. Đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, các HTX lại nhỏ lẻ quá, nếu không hợp nhất thì bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả.
Thực tế đến nay ở Ninh Bình, các HTX nông nghiệp sau tổ chức lại đã có cơ hội củng cố tổ chức và bộ máy. Đáng kể, một số HTX vận động mỗi thành viên tăng vốn góp đến mức 600.000 đồng, bổ sung cán bộ HTX trẻ, nhiệt huyết kinh doanh tham gia điều hành HTX.
Các HTX nông nghiệp sau tổ chức lại đều tăng số lượng và chất lượng dịch vụ. Ngoài duy trì tốt một số dịch vụ cơ bản (như làm đất, tưới tiêu, khuyến công...), các HTX còn đổi mới chỉ đạo sản xuất theo hướng trang trại, đa canh và mạnh dạn mở rộng dịch vụ mới, như máy gặt đập, bao tiêu nông sản...
Như ở HTX Vân Trà (huyện Yên Mô), do có trên 60 ha ruộng trũng, HTX đã hướng dẫn chuyển sang thâm canh “lúa - cá”, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Hay ở các HTX Yên Bình (Tp.Tam Điệp), Yên Hòa (huyện Yên Mô), sau khi hợp nhất, HTX đã mạnh dạn ký kết với DN, bảo đảm cung ứng vật tư, giống và bao tiêu nông sản, đáp ứng kịp nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
So với cả nước, Ninh Bình có thể xếp vào top đầu các địa phương bảo đảm khá tốt tiến độ và chất lượng tổ chức lại HTX. Song, bà Lê Thị Tâm vẫn trăn trở nói: “Ninh Bình bây giờ tuy không phải lo nhiều đến HTX nông nghiệp, nhưng với tinh thần quyết làm đến cùng, thì nỗi lo rất lớn là loại hình HTX phi nông nghiệp. Đặc biệt, trong số 21 HTX phi nông nghiệp, có 9 HTX rất yếu, còn nhiều vướng mắc, hiện đang ngừng hoạt động, mà tới đây buộc phải đề xuất giải thể”.
Lưu Đoàn