Tại hội nghị triển khai chương trình OCOP năm 2020 do Chi cục PTNT tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức, 12 sản phẩm của 9 chủ thể đã được trao giấy chứng nhận xếp hạng sao.
Hàng loạt sản phẩm được gắn sao
Ông Phạm Hồng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình hiện có 75 làng nghề, với các sản phẩm nghề độc đáo và đa dạng. Một số sản phẩm của Ninh Bình có thương hiệu riêng như: thịt dê, cơm cháy, mắm tép, ngao Kim Sơn, rượu Kim Sơn.
Các địa phương của tỉnh Ninh Bình có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP |
Ngoài ra, thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Ninh Bình tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm (lợn, dê, thỏ), thủy hải sản (tôm, ngao). Đây là những thuận lợi cho Ninh Bình có thể khai thác hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2018 - 2019, Ninh Bình đã tập trung hỗ trợ, phát triển hoàn thiện và chuẩn hóa 12 sản phẩm của 9 chủ thể đã lựa chọn. Tỉnh có 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm đều được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao được in trên bao bì sản phẩm. Kết quả chứng nhận xếp hạng sao các sản phẩm có giá trị trong 3 năm (tính từ ngày quyết định được ban hành).
Các sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng 4 sao gồm: Mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ (HTX nông sản và du lịch Tam Điệp), cơm cháy Phương Linh (DNTN thực phẩm Linh Phương); rượu nếp cổ truyền, rượu Chanh đào, rượu Bách nhật, rượu đòng đòng (Công ty TNHH Nga Hải), Thủ công mỹ nghệ từ cói (Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa), Cơm cháy Cố đô (CTCP sinh hóa Ninh Bình), gốm Bồ Bát (Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát), Thêu ren truyền thống (Công ty TNHH thêu Minh Trang).
Các sản phẩm được xếp hạng 3 sao gồm: rau Khánh Thành (HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành); tinh bột nghệ vàng (HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn).
Tại hội nghị triển khai chương trình OCOP năm 2020, một số HTX đã được trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Điển hình như, HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp tại TP Tam Điệp hiện là đơn vị cung cấp hơn 200 sản phẩm gồm rau củ quả các loại, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, gạo, ngũ cốc, thảo dược… và dịch vụ du lịch trải nghiệm. Các sản phẩm của HTX đã được chứng nhận về chất lượng sản phẩm nên khi đưa ra thị trường tiêu thụ luôn được giá và được khách hàng tín nhiệm đặt mua dài hạn.
HTX Sản xuất và Tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành, ở huyện Yên Khánh được thành lập với 30 hộ thành viên chính thức, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, xã Khánh Thành đưa ra thị trường khoảng 10 tấn nông sản, năng suất và giá trị tăng gấp 5 - 10 lần so với trồng lúa.
HTX Sản xuất và Tiêu thụ Dược liệu Yên Sơn ra đời năm 2017 tại thôn Nguyễn, xã Yên Sơn, TP Tam Điệp. Sản phẩm chủ lực ngoài bột nghệ chế biến trong thực phẩm, HTX đã tìm ra phương pháp sản xuất thành công sản phẩm tinh bột nghệ nguyên chất từ các loại củ nghệ tương ứng như tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đỏ, tinh bột nghệ đen với hàm lượng cucumin cao, có hiệu quả trong y học. HTX có số lượng thành viên là 60 hộ gia đình, thu nhập mỗi hộ từ 240 - 300 triệu/ha. Sản lượng củ nghệ thu hoạch khoảng 80 tấn/năm, năng suất sản phẩm tinh bột nghệ đạt 9 - 16 tấn/năm. Thương hiệu Tinh bột nghệ Yên Sơn đã và đang từng ngày ghi dấu ấn với người tiêu dùng.
Đề cập về Chương trình phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2020-2021, ông Phạm Hồng Sơn cho hay, Chi cục PTNT đã tiến hành khảo sát 24 sản phẩm đăng ký trên địa bàn và đang tập trung hỗ trợ, hoàn thiện, phát triển khoảng 12 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên, để tiến tới cấp chứng nhận vào năm 2020. Đó là: Nhóm chè có chè An Nguyên (Tam Điệp), Trà Hoa Vàng (Nho Quan); nhóm thực phẩm chế biến có Chạch sụn kho niêu đất (Yên Mô), Mắm tép Trang Quyết (Gia Viễn), Nem chua Yên Mạc, Cơm cháy (Xích Thổ). Nhóm thực phẩm chức năng có: Muối ngâm chân Sinh Dược (Gia Sinh - Gia Viễn), Nấm Linh Chi Tư Bản (Yên Khánh), Mộc nhĩ Hương Nam; nhóm thảo dược có: Trà An Thái (Gia Sinh - Gia Viễn); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ có tranh lá Bồ đề của HTX Sinh Dược (Gia Viễn).
Khắc phục điểm yếu về quảng bá
Tỉnh Ninh Bình đang thực hiện nhiều chính sách có liên quan đến hỗ trợ sản xuất cấp tỉnh: chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận xếp hạng sao OCOP của tỉnh Ninh Bình |
Tuy vậy, nhiều khó khăn về phát triển sản phẩm OCOP đã được chỉ ra tại hội nghị. Theo đó, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình có nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm, phát triển đúng mức: quy mô sản xuất sản phẩm còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; hệ thống mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, bao bì chưa đổi mới; nguy cơ mất an toàn vệ sinh sản phẩm đối với các sản phẩm ẩm thực chưa được kiểm soát chặt chẽ; các sản phẩm đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ còn ít; các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp chưa nhiều, giá trị xuất khẩu chưa cao, luôn đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.
Tại hội nghị, đại diện các chủ doanh nghiệp, HTX nêu vấn đề: mặc dù có rất nhiều chính sách được đưa ra hỗ trợ phát triển sản xuất, tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp, HTX gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, khó khăn trong bảo quản nguồn nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Một kết quả nghiên cứu độc lập về thị trường tiêu thụ các nông đặc sản tại Ninh Bình được trình bày tại hội nghị cho thấy: gạo nếp Hạt Cau, Gạo nếp Nhung, Cá rô Tổng Trường vẫn được tiêu thụ 100% tại thị trường trong huyện, mà chưa thiết lập được hệ thống tiêu thụ ra các địa phương khác. Các sản phẩm: Cơm cháy Ninh Bình vàng; Cơm cháy Xíchtho; Xà bông dược bạc hà… đã được phân phối ra thị trường ngoại tỉnh. Tuy nhiên, tất cả các chủ thể hiện nay đều không có dẫn chứng để chứng minh được khu vực phân phối sản phẩm của mình. Nhìn chung, các hoạt động quảng bá chưa thường xuyên, nghèo nàn về hình thức. Chỉ có HTX Sinh Dược, CTCP sản xuất và thương mại Đại Long là đã tổ chức hoạt động quảng bá sản phẩm hiệu quả; còn lại hoạt động quảng bá sản phẩm của hầu hết các chủ thể khác vẫn chưa hiệu quả.
Trong thời gian tới, Chi cục PTNT tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong khu vực và toàn quốc; tổ chức các lớp đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và kiến thức về chương trình OCOP; lựa chọn các đơn vị đối tác tư vấn đối với hạng mục hỗ trợ phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Chi cục PTNT tỉnh Ninh Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phải rà soát thực trạng phát triển ngành nghề tại địa phương, có định hướng và giải pháp cụ thể để gắn Chương trình phát triển ngành nghề với triển khai Chương trình phát triển OCOP trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu các huyện bố trí nguồn kinh phí địa phương để hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP.
Chu Khôi