'Vựa tỏi' bên vùng cồn bãi ven sông Gianh
Những năm gần đây, người dân xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn đã mạnh dạn cải tạo đất để trồng tỏi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập. Thôn Cồn Nâm có 80 hộ thì có đến 60 hộ trồng tỏi, với diện tích từ 1-3 sào mỗi hộ, tổng diện tích trồng tỏi của cả thôn cũng gần chục ha, chiếm đến 50% diện tích đất nông nghiệp của thôn. Tính kinh tế, cứ mỗi sào tỏi, bà con thu lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 lần so với cấy lúa...
Nhiều loại cây trồng được xen canh với tỏi ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn đã giúp người dan nâng cao thu nhập. |
Ông Nguyễn Văn Tự, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn cho biết, gia đình ông có 8 sào đất trồng tỏi từ hàng chục năm nay và cho thu nhập khá cao. Mỗi năm từ diện tích này, gia đình thu được 50-70 triệu đồng. Ngoài trồng tỏi, gia đình còn trồng xen lạc, vừng nên có thêm chục triệu nữa.
“Trước đây trên diện tích đất này, gia đình đã lựa chọn nhiều loại cây trồng nhưng cho hiệu quả rất thấp. Kể từ khi trồng tỏi và cho hiệu quả cao, gia đình tôi đã có thu nhập rất ổn định. Cây tỏi đã giúp gia đình chúng tôi vươn lên thoát nghèo”, ông Tự nói.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn, vùng cồn bãi của thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vốn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế do giao thông đi lại khó khăn, canh tác ít và thường ngập lụt nên cơ cấu trồng cây gì cũng không thuận lợi. Để phát triển kinh tế, chính quyền và người dân luôn quan tâm tìm hiểu đến việc trồng cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương và tạo thành sản phẩm hàng hóa. Khi sản phẩm tỏi được lựa chọn trồng thử nghiệm và có hiệu quả, UBND thị xã Ba Đồn đã quyết định chọn cây tỏi để trở thành sản phẩm OCOP.
Sau hơn một năm triển khai OCOP, thị xã Ba Đồn đã phát triển được 5 chuỗi sản phẩm nổi bật. Trong đó, chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tỏi Ba Đồn được đánh giá cao. Theo đó, mô hình này được thực hiện ở 3 xã vùng cồn bãi ven sông Gianh là Quảng Hoà, Quảng Minh và Quảng Lộc với diện tích gần 19 ha và 213 hộ tham gia. Để nâng cao giá trị của cây trồng này, một doanh nghiệp đã đứng ra kết hợp với bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh: “Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, giá trị kinh tế của cây tỏi được nâng cao hơn. Trên vùng cồn bãi cho thu nhập bình quân gần 120 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa vài ba lần. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng 300 ha tỏi nữa để tăng thu nhập cho người dân”.
Biến tiềm năng địa phương thành hàng hóa
Trong khi đó, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhiều sản phẩm OCOP đã được tập trung triển khai, qua đó tạo nguồn lực cho bà con nông dân và các HTX.
HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch là cơ sở mới đi vào hoạt động được 5 năm nhưng đã thành công trong việc ứng dựng tiến bộ kỹ thuật để trồng các loại nấm và sản xuất sản phẩm từ nấm theo chuỗi.
Bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành HTX cho biết: “Chúng tôi thực hiện dự án phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác trồng nấm trong tỉnh. Qua đó, tạo việc làm cho hơn 360 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng người/tháng”.
Cây tỏi tía giúp người nông dân Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình thoát nghèo và cho thu nhập ổn định. |
Cũng theo bà Liên, ngoài các sản phẩm chế biến từ nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi.
Đơn vị đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với Co.opmart các tỉnh miền Trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, sản phẩm trà xanh linh chi của HTX đã xuất khẩu sang Thái Lan và Nga.
Tỉnh Quảng Bình hiện đã xây dựng 189 sản phẩm OCOP có nguồn gốc lợi thế địa phương. Đến đầu năm 2020, tỉnh đã xếp hạng 59 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó 28 sản phẩm đạt từ 2 đến 4 sao và 31 sản phẩm đạt 1 sao.
Những sản phẩm này khá phong phú về chủng loại, một số sản phẩm đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, như trà nấm linh chi Tuấn Linh, mật ong Tuyên Hoá, khoai deo Hải Ninh, gạo Lệ Thuỷ, dầu lạc Phong Nha, tiêu Phú Quý, nước mắm Hải Thành, nước khoáng Bang...
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Bình cho rằng, dù mới triển khai nhưng chương trình OCOP ở Quảng Bình đón nhận sự tham gia tích cực của 26 tổ chức kinh tế, trong đó 22 đơn vị có sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
“Các sản phẩm khi tham gia vào OCOP nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại từ cấp quốc gia đến quốc tế”, ông Cương nói
Tuy nhiên, quá trình triển khai và thương mại hóa các sản phẩm OCOP tại địa phương, Quảng Bình cũng nhận thấy một số hạn chế của sản phẩm OCOP như khâu bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh chưa được chú trọng nên hàng hóa chủ yếu tiêu thụ tại địa phương.
Để khẳng định vị thế và nâng tầm giá trị của sản phẩm OCOP, Quảng Bình xác định phải khơi dậy sức sáng tạo của người dân để xây dựng nhiều sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền và các ngành chức năng sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX xây dựng hệ thống hỗ trợ phát triển để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm về mẫu mã, bao bì đóng gói, đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để thương mại hóa sản phẩm OCOP.
Phương Nam