Sầu riêng đang là một trong những cây trồng tiềm năng và là thế mạnh của huyện Đam Rông thời gian qua. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, làm giàu cho nông dân, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động tổ chức sản xuất sầu riêng theo hình thức liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lớn, hướng tới xuất khẩu.
Liên kết sản xuất
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đam Rông, cho hay với khí hậu, thổ nhưỡng và thủy văn thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển, huyện đang thực hiện nhiều giải pháp để hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đáp ứng nguồn nông sản chất lượng cao, đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Với mức giá dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg như hiện nay, sầu riêng đã trở thành mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp nhiều nông hộ vươn lên làm giàu. Qua thống kê, diện tích trồng sầu riêng toàn huyện ở vào khoảng 1.800 ha; trong đó, diện tích trồng thuần gần 750 ha, trồng xen trên 1.000 ha.
Đam Rông đang chú trọng nâng cao giá trị cho cây sầu riêng để thúc đẩy xóa đói giảm nghèo (Ảnh: BLĐ). |
Trong quá trình mở rộng các vùng trồng, vai trò của các HTX, doanh nghiệp đang được khẳng định. Thống kê cho thấy, toàn huyện đang có 1 HTX và 5 tổ hợp tác tham gia phát triển chuỗi giá trị, phối hợp với doanh nghiệp để thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng trên diện tích hàng trăm ha.
Đáng chú ý, huyện Đam Rông đang thực hiện hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cây trồng kém hiệu quả như điều, cà phê già cỗi thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha/năm sang trồng sầu riêng. Hiệu quả của cây sầu riêng hiện đạt 200 – 350 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với sầu riêng, cà phê cũng là cây kinh tế chủ lực của người dân Đam Rông. Trong đó, HTX Trái cây Tây Nguyên, xã Rô Men đang là “đầu tàu” dẫn dắt hàng chục hộ nông dân trên địa bàn phát triển mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ, VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nâng cao hiệu quả
“Đến nay, HTX thu hút gần 20 hộ thành viên sản xuất trên 50 ha cà phê ở xã Rô Men và xã Đạ R’Sal. Trong đó, có khoảng 30 ha trồng xen canh các loại cây ăn trái sầu riêng, bơ, chôm chôm, bưởi… đã được HTX tổ chức tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn mỗi năm”, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thương chia sẻ.
Được biết, HTX Trái cây Tây Nguyên là 1 trong số hơn 20 HTX nông nghiệp đang phát triển hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Đam Rông. Để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp từng bước vươn lên, UBND huyện Đam Rông đã phối hợp cùng với Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Liên minh HTX Lâm Đồng mở các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, UBND huyện Đam Rông phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng phương án, giúp HTX tiếp cận nhanh các nguồn vốn tín dụng ưu đãi như giảm mặt bằng lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay... Qua đó, giúp các HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, vật tư phân bón cho cây trồng, xây dựng nhà xưởng, máy móc sấy khô, sơ chế sản phẩm…
Ngành nông nghiệp huyện chủ động phát triển các cây trồng thế mạnh (Ảnh: BLĐ). |
Nhắc đến hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, không thể không nhắc đến HTX Laba Banana Đạ K’nàng, từ nhiều năm trước, sản phẩm chuối Laba của HTX đã lên đường xuất ngoại sang thị trường Nhật Bản.
Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX cho biết ngay từ những thời điểm đầu tiên khi thực hiện việc chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng chuối Laba, HTX đã lựa chọn quy trình sản xuất công nghệ cao, tuân thủ theo đúng yêu cầu từ các đối tác Nhật Bản để xuất khẩu.
Đến nay, việc xuất khẩu chuối Laba sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Malaysia vẫn đang được HTX duy trì với số lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh về diện tích sản xuất như hiện nay, ngoài thị trường xuất khẩu thì thị trường trong nước cũng đang là hướng đi chính được HTX quan tâm.
Chính vì vậy, kể từ năm 2019, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng huyện Đam Rông, HTX đã mạnh dạn đăng ký hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng. Và, đến năm 2020, sản phẩm chuối Laba của HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 4 sao. Đây là cơ sở để HTX đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước. Qua đó, sản phẩm chuối Laba của HTX hiện đã có mặt tại hầu hết các chuỗi siêu thị lớn trong nước.
Giảm nghèo bền vững
Nhờ thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy tốt vai trò của các HTX, doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị, đang giúp diện mạo kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Đam Rông ngày càng khởi sắc, quá trình xóa đói giảm nghèo ngày càng được đẩy cao tốc độ.
UBND huyện Đam Rông, cho biết, trong năm 2022, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đáp ứng đầy đủ, kịp thời; các dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm..) được tiếp cận thuận lợi. Qua đó, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đề ra.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy: Tỷ lệ nghèo đa chiều là 2.845 hộ, chiếm tỷ lệ 19,3%. Trong đó, số hộ nghèo là 1.019 hộ, chiếm tỷ lệ 6,9% và số hộ cận nghèo là 1.826 hộ, chiếm tỷ lệ 12,40%.
Bên cạnh thành quả từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, để có thành công như hiện tại, trong những năm qua, huyện Đam Rông đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ công tác giảm nghèo với nhiều phương pháp và cách làm phù hợp.
Trong năm 2023, mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đam Rông được xác định là: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 4-5% (trong đó hộ nghèo giảm từ 1,5-2%, hộ cận nghèo giảm từ 2,5-3%.
Thời gian tới, huyện Đam Rông xác định tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch về giảm nghèo; gắn nội dung giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường, cùng với khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cải thiện điều kiện sống của người nghèo.
Sáu Ngạn