Quyết định về quê lập nghiệp từ năm 2017, nhưng phải hơn 1 năm sau, anh Trung mới thực sự bắt đầu hành trình hiện thực hóa kế hoạch của mình. Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy, theo anh Trung, là bởi anh hiểu sự khó khăn của nghề nông, không có "màu hồng", thậm chí đầy chông gai.
Nghĩ lớn, làm lớn
Để nâng cao nội lực sản xuất, ngay từ đầu, anh Trung xác định rõ bản thân không thể làm một mình. Vì vậy từ những cơ sở vật chất đã chuẩn bị từ trước, anh tìm kiếm các cộng sự có cùng chí hướng rồi thành lập HTX nông nghiệp Đại Lải, với mục tiêu sản xuất quy mô lớn, hiện đại, kết hợp du lịch trải nghiệm.
Những ý tưởng của anh Trung nhanh chóng thu hút sự chú ý của các hộ sản xuất tiến bộ tại địa phương, HTX được thành lập với 7 thành viên chính thức, đến nay đã có 16 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 40 ha, với các loại cây như mít, bưởi, thanh long, nho...
Nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa để nông dân Vĩnh Phúc thoát nghèo, làm giàu. |
Cùng với trồng cây ăn trái, anh Trung cùng các thành viên HTX tiến hành đào ao, thả các loại cá chất lượng cao. Đáng chú ý, cả trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đều được các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tạo ra môi trường trong lành, xanh, sạch, đẹp.
Hiện, sản lượng khai thác trung bình mỗi năm của HTX đạt khoảng 70 tấn cá, với doanh thu hơn 900 triệu đồng. Các sản phẩm của HTX được đưa vào 32 trường học trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thành phố Hà Nội và 5 bếp ăn doanh nghiệp. Những vườn cây ăn trái cũng đem lại hàng trăm tấn quả mỗi vụ, cho thu nhập nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh nguồn lợi tiền tỷ từ nông sản, nhờ lợi thế hệ sinh thái xanh, HTX trở thành điểm đến thăm quan trải nghiệm của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh. Hiện, anh Trung và các thành viên HTX đang duy trì 2 khu sinh thái là EnCamp và Phú Lâm Farm Stay.
Du khách tới tham quan sẽ được trải nghiệm tham gia làm nông nghiệp, thu hoạch rau, quả, tổ chức team building, chèo thuyền SUP, chèo thuyền kayak, câu cá, tổ chức tiệc ngoài trời... và được trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu bản địa.
Hiện, trung bình mỗi tháng, mô hình du lịch sinh thái của anh Trung và HTX Đại Lải thu hút 300-500 khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Thành công nhờ ý chí
Cũng là một trong những điển hình thành công nhờ khởi nghiệp với mô hình trồng trọt kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm là anh Lê Khắc Hanh, xã Đức Bác, huyện Sông Lô. Xuất phát với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ ý chí, sự sáng tạo, ham học hỏi, anh Hanh nay trở thành một điển hình truyền cảm hứng thoát nghèo, làm giàu tại địa phương.
Sau thời gian dài phải rong ruổi khắp nơi để làm ăn, cách đây 10 năm, anh Hanh chọn về quê lập nghiệp với mô hình trồng hoa và cây cảnh, đúng với truyền thống ở vùng quê Đức Bác.
Vĩnh Phúc đang định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. |
Khi mới trở về, khu đất sản xuất của gia đình anh đúng nghĩa “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, cỏ hoang mọc kín, anh Hanh phải bỏ nhiều công sức, mất ăn mất ngủ để cày cuốc, cải tạo lại. Thế rồi, từ mảnh đất cằn rộng hơn 60.000 m2, nay đã được phủ xanh bởi hoa thơm, cây cảnh đẹp như tranh.
Nhờ ý chí bền bỉ, quyết tâm theo đuổi công việc đến cùng, vườn cây của anh Hanh hiện mỗi năm thu về từ 1-1,5 tỷ đồng. Riêng những tháng Tết, có tháng anh thu về từ 500-600 triệu đồng. Không chỉ trồng các loại hoa và cây cảnh, anh Hanh còn nhân rộng mô hình trồng cây nho mẫu đơn. Với diện tích trên 10.000 m2, cây nho dự kiến cho doanh thu tiền tỷ.
Anh Hanh, anh Trung chỉ là hai trong số rất nhiều tỷ phú sinh ra từ làng ở Vĩnh Phúc trong khoảng chục năm trở lại đây. Nhiều chủ trang trại, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi có doanh thu hàng tỷ đồng/năm trên địa bàn tỉnh như mô hình nuôi dê lai sinh sản của hộ ông Nguyễn Hoài Sơn ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch đạt doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi lợn nái sinh sản kết hợp nuôi gà đẻ của hộ ông Nguyễn Tiến Đạt ở xã Đạo Tú, huyện Tam Dương đạt doanh thu 5,5-8,5 tỷ đồng/năm…
Thúc đẩy nông nghiệp bền vững
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ bắt nhịp tốt với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, nông dân thời 4.0 tại Vĩnh Phúc đã và đang mạnh dạn thay đổi nhận thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ đó xây dựng thành công nhiều mô hình điển hình.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp nông dân không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây, mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.
Với diện tích tự nhiên trên 123.600ha (đất nông nghiệp chiếm hơn 73,7%), nguồn lao động dồi dào, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Theo định hướng chung, tỉnh đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao…
Với những điểm tựa đang có, thời gian tới, tỉnh dự kiến đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, có khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, trình độ quản lý kinh tế ở các doanh nghiệp, HTX để phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nâng cao thu nhập, xóa nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
Trúc Như