Cây dưa chuột vốn chẳng xa lạ gì với người dân xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tuy nhiên, việc mạnh dạn đưa cây dưa chuột từ trồng lộ thiên vào nhà lưới, nhà màng hiện đại đang giúp gia đình anh Bùi Xuân Quế tạo nên khác biệt, mang lại doanh thu bạc tỷ mỗi năm.
Nghĩ khác, làm khác
Nhìn lại những thành công đang có, anh Quế cho hay ban đầu dưa chuột không phải là lựa chọn số một của gia đình anh, thay vào đó là rau màu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.
Quy trình sản xuất được chuẩn hóa, chất lượng rau màu vượt trội, nhưng bài toán thị trường nan giải khiến mô hình khởi nghiệp ban đầu của anh Quế luôn luẩn quẩn trong tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nguồn vốn theo đó cứ “teo tóp” dần, buộc anh phải tìm hướng đi mới.
Anh Bùi Xuân Quế cùng với thành viên HTX Xuân Mai đang hái quả ngọt từ dưa chuột baby. |
Với ý chí kiên định, quyết tâm khởi nghiệp làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Quế lao vào tìm tòi, học hỏi từ sách báo, internet, rồi thực hiện những chuyến đi khắp nhiều tỉnh thành, đến với những mô hình hay để tham quan, rút kinh nghiệm, và cuối cùng anh quyết định bắt đầu lại với cây dưa chuột.
Cũng với tôn chỉ làm sạch để tạo nên những sản phẩm chất lượng, nhưng khác với mô hình khởi nghiệp đầu tiên, lần này anh Quế đầu tư mạnh hơn cho khoa học kỹ thuật, đưa dưa chuột vào trồng trong các khu nhà màng, nhà lưới hiện đại, vừa để giảm chi phí, vừa nâng cao năng suất, chất lượng, và tăng sức cạnh tranh.
“Ưu điểm của việc trồng dưa chuột trong nhà màng là dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ vườn dưa, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tránh côn trùng, sâu bệnh; các khâu bón phân, tưới nước đều được thực hiện thông qua hệ thống tự động, tiết kiệm nước và nhân công…”, anh Bùi Xuân Quế chia sẻ.
Sự chuẩn bị kỹ càng đã giúp anh Quế “thu quả ngọt”. Năm 2020, anh Quế vay thêm vốn, mở rộng diện tích nhà màng lên 5.000 m2. Đến nay, sau gần 7 năm phát triển, trang trại sản xuất dưa chuột của anh và cộng sự cho doanh thu bình quân 1,5 - 1,8 tỷ đồng/vụ; tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, cùng 4 - 5 lao động thời vụ (khi cao điểm thu hoạch).
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không chỉ xây dựng thành công cho riêng mình, dựa trên nền tảng sẵn có, anh Quế còn bắt tay với 5 hộ sản xuất tại địa phương để thành lập HTX Nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, với mục tiêu cùng nhau góp vốn, cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện, 100% sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các quy trình trồng và chăm sóc dưa được quản lý nghiêm ngặt, sử dụng phân bón từ các chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật đều được tạo từ tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, HTX đẩy mạnh công tác giới thiệu, tìm kiếm và dần đưa sản phẩm của mình vào chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị trong tỉnh và địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, HTX cũng tích cực chuyển giao công nghệ, giúp đỡ nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bắc Ninh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, mở đường lớn cho nông dân làm giàu. |
Cách trang trại của HTX Xuân Mai không xa là mô hình sản xuất cà rốt kết hợp trồng rau công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Linh, xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Mô hình này liên tục mang lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu tại địa phương.
Đáng chú ý, cũng giống như nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, để nâng cao nội lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh, giải bài toán thị trường, anh Linh đã liên kết với 16 hộ sản xuất tại địa phương để thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Mỹ Linh.
Trên vùng sản xuất hơn 50 ha rau, củ quả các loại, HTX đang tạo việc làm cho gần 100 lao động thời vụ với thu nhập gần 200.000 đồng/ngày từ việc trồng, thu hoạch nông sản. Sản phẩm của HTX đang có chỗ đứng trên thị trường, nhất là củ cà rốt mỗi năm xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc từ 2.500-3.000 tấn.
Kể đến những người trẻ khởi nghiệp thu tiền tỷ từ nông nghiệp ở Bắc Ninh cũng không thể không nhắc tới mô hình trồng măng tây xanh của anh Vũ Huy Tuấn ở thôn An Cường, xã Minh Tân, huyện Lương Tài.
Với cánh đồng lớn rộng trên 4,5 ha, trang trại trồng măng tây của anh Tuấn là một trong những mô hình sản xuất điểm trên toàn tỉnh, hiện đang tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy thế mạnh vùng
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Tuấn cho hay mọi chuyện bắt đầu cách đây hơn 10 năm, khi anh vừa tốt nghiệp phổ thông, được người quen giới thiệu nên anh mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng để đưa giống măng tây xanh Nhật Bản về trồng.
Để học kỹ thuật trồng măng tây, anh Tuấn đã tham gia câu lạc bộ măng tây xanh do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh thành lập. Đây là môi trường rất thuận lợi để anh vừa học hỏi vừa phát huy sở trường của mình.
Cùng với những gương làm giàu kể trên, Bắc Ninh còn có hàng nghìn hộ nông dân trẻ có thu nhập cao nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp. Điển hình như chị Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, với mô hình sản xuất, kinh doanh các loại rau, củ, quả sạch, an toàn cho thu nhập 5 tỷ đồng/năm. Hay mô hình nuôi bò sữa của anh Tạ Quang Trung ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành có thu nhập 500 triệu đồng/năm…
Thời gian tới, để tiếp tục mở “sân chơi lớn” cho những người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện những chiến lược thúc đẩy nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh xác định 3 vùng không gian cho nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đầu tiên là vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở khu vực Nam sông Đuống, gồm thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình và Lương Tài.
Thứ hai là vùng nông nghiệp đô thị tập trung bao gồm thị xã Quế Võ, các huyện Tiên Du, Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba là vùng nông nghiệp – dịch vụ ven sông Đuống, tận dụng đất bãi bồi 2 bên bờ sông Đuống kết hợp với cảnh quan sông nước để phát triển nông nghiệp kết hợp dịch vụ và du lịch.
Song Ngư