Cách đây vừa tròn 13 năm, anh Nguyễn Đại Dương từ bỏ công việc đúng chuyên ngành học để trở về quê hương lập nghiệp. Tiếp quản khu đầm cũ của gia đình, anh tìm hiểu và triển khai mô hình nuôi vạng (còn gọi là ngao vạng), tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm nên vạng chết, vốn liếng hơn 100 triệu đồng cuốn theo dòng nước.
Gian nan thử sức
Anh Dương nhớ lại, thời điểm đó, anh đang là một kỹ sư cơ điện, đúng với chuyên ngành học tại trường Cao đẳng kỹ thuật Nam Định. Công việc ổn định, nhưng ý tưởng khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương đã manh nha khi anh được tiếp cận với mô hình nuôi thủy sản từ thời niên thiếu.
Năm 2009, vừa làm công việc chuyên môn, anh Dương cũng đồng thời tiếp quản lại khu đầm nuôi tôm rộng hơn 10 ha của gia đình. Nhưng bởi cách làm cũ, thiếu khoa học kỹ thuật nên đầm tôm cho hiệu quả rất thấp. Hoạt động sản xuất cứ “leo lét” đến năm 2011 thì anh quyết định... "bẻ lái".
Để toàn tâm toàn ý cho khát khao khởi nghiệp, anh Dương xin nghỉ hẳn tại công ty điện. Quyết định này, theo anh Dương, là một trong những màn “đánh cược” mạo hiểm nhất cuộc đời, đến nay khi nghĩ lại, anh vẫn thấy mình... liều!
Nhiều nông dân Nam Định đang đổi đời với những mô hình nuôi thủy sản quy mô lớn. |
Bước vào giai đoạn mới, anh Dương xác định ngay từ đầu là muốn thành công thì không thể giữ mãi tư duy cũ. Trước tiên, anh quyết định chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi vạng, đồng thời mạnh tay đầu tư cải tạo lại khu đầm, đưa các loại máy móc, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Dù chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng trời không chiều lòng người, ngay trong vụ nuôi vạng đầu tiên, anh Dương mất trắng, vạng chết quá nửa, vốn liếng hơn 100 triệu đồng cuốn theo dòng nước.
Thất bại ngay khi khởi nghiệp đã gây nên một cú sốc lớn cho “chàng kỹ sư về làng”, anh Dương mất ăn mất ngủ nhiều tuần trời, trước khi sốc lại tinh thần. Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó, anh lại lao vào nghiên cứu để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.
Nhưng vấn đề lúc này là tiền đã cạn. Anh Dương bàn với bố mẹ và vợ, ý định muốn thế chấp 3 cuốn sổ đỏ để lấy vốn làm ăn, nhưng tất cả đều phản đối. Phải mất nhiều ngày thuyết phục, anh mới nhận được sự đồng ý của gia đình và đến ngân hàng vay 300 triệu đồng.
Thành quả bất ngờ
Hồi tưởng lại quãng thời gian đầu đầy gian khó, anh Dương chia sẻ thất bại đầu tiên gây ra cú sốc nhưng đổi lại anh có được bài học kinh nghiệm đắt giá, nó trở thành hành trang để anh gây dựng được những thành công sau này. Và quả thật, những hành trang ấy đã giúp anh thành công trong những vụ tiếp theo.
Kể từ năm 2011 đến nay, khu đầm nuôi vạng phát triển ổn định, cùng với đó là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao cũng được anh Dương đưa vào vận hành, tổng diện tích 3 khu nuôi trồng lên tới 25 ha, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
“Nhờ sản xuất ổn định, trung bình mỗi năm, gia đình tôi cung ứng ra thị trường dao động từ 30-50 tấn vạng giống, 20-30 tấn tôm thẻ chân trắng", anh Dương cho hay.
Thành công của anh Dương chỉ là một trong số hàng nghìn nông dân khởi nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh Nam Định những năm qua, nhờ hiệu quả của chính sách chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng.
Nam Định dự kiến thúc đẩy cánh đồng lớn để nâng cao giá trị gia tăng cho người dân. |
Theo thống kê, đến nay, nông dân Nam Định đã tham gia xây dựng được 458 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 21.844ha, trong đó có 3.121ha được bao tiêu sản phẩm, xây dựng thành công 183 mô hình HTX, tổ hợp tác với trên 2.500 thành viên tham gia.
Điển hình, trong thời gian qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy đã xây dựng thành công các cánh đồng “không có dấu chân người”. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành viên HTX đã không còn cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau".
Đến nay, hàng trăm ha ruộng của HTX được cơ giới hóa hầu hết các khâu canh tác, từ làm đất, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu cho đến thu hoạch đều được máy móc, công nghệ thực hiện trên những cánh đồng lớn.
Theo đại diện HTX Quyết Tiến, HTX bắt đầu triển khai thực hiện chương trình cơ giới hóa đồng bộ, từ vụ Xuân năm 2022. Để nâng cao hiệu quả, HTX đã phối hợp với HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị bay XAG P80 phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Bình quân mỗi ngày, thiết bị XAG P90 có thể phun được khoảng 30-50ha, rút ngắn thời gian phun, giảm thiểu độc hại cho con người, bảo vệ môi trường bởi toàn bộ vỏ bao bì thuốc trừ sâu bệnh được HTX thu gom, xử lý tập trung và tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, ứng dụng phương pháp này cũng giúp người dân tiết kiệm 10-12 nghìn đồng/sào.
Đẩy mạnh lan tỏa
Không chỉ đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, các HTX và nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, kinh doanh, mang lại những lợi ích tích cực.
Đơn cử, để thích ứng với kinh doanh trên nền tảng số, ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ trực tiếp, HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) đã chú trọng đến việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki...
HTX cũng đang tận dụng lợi thế từ các mạng xã hội như Facebook, Zalo, đồng thời áp dụng hình thức thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng) hoặc chuyển tiền qua ngân hàng điện tử.
Ngoài ra, sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” của HTX còn được gắn tem QR giúp người tiêu dùng chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh là có thể quét mã và biết rõ được các thông tin cần thiết, từ ngày sản xuất, quy trình đến chất lượng...
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cánh đồng mẫu lớn đang thực sự là một trong những giải pháp quan trọng, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại Nam Định, từ đó "chắp cánh" cho nông dân, HTX, tổ hợp tác “bay lên”, làm giàu bền vững.
Theo thống kê, bình quân mỗi năm, tỉnh Nam Định có 129.000 hộ sản xuất, trong đó có nhiều hộ sản xuất là thành viên HTX, tổ hợp tác, đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú, triệu phú nông dân, trở thành người truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Mỹ Chí