Ông Tám Thơi vốn là người Tuyên Thạnh (Mộc Hóa, Long An), trước ngày đất nước thống nhất, ông theo cha mẹ về mảnh đất Vĩnh Đại gần như với 2 bàn tay trắng. Ngày ấy, ông Tám Thơi mới 19 tuổi, cùng người thân vắt kiệt sức lực để khai hoang, lập nghiệp.
Tích tiểu thành đại
Nhớ lại những ngày đầu đến vùng đất mới, ông Tám Thơi kể lúc đó ở Vĩnh Đại còn rất sơ khai, đúng nghĩa “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, cả vùng chỉ toàn là cây cỏ mọc hoang cao hơn đầu người. Không ít người đến trước đã bỏ đi vì thấy “khó nhằn”.
Khó khăn là thế, nhưng với tinh thần “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, ông Thơi vẫn quyết tâm bám đất, bám làng, vắt sức người khai hoang, cải tạo đất. Bắt đầu với 5 ha đất “làm vốn”, ông tích cóp dần, tiền tiết kiệm đầu tư cho máy móc để dần thay thế sức người, tăng hiệu quả.
Sản xuất trên cánh đồng lớn là chìa khóa để người trồng lúa ở Long An làm giàu. |
Từ sự nỗ lực không ngừng, tích tiểu thành đại, hành trình lập nghiệp trên vùng đất khó của ông Tám Thơi dần cho những thành tựu đầu tiên. Đến năm 2010, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình ông lên tới 65 ha, cơ giới hóa trên 70% các công đoạn, với hai loại cây chủ lực là lúa và tràm.
Trên cánh đồng lúa rộng 60 ha thẳng cánh cò bay, ông trang bị hơn 10 loại máy móc phục vụ sản xuất, tổng giá trị nhiều tỷ đồng, vừa đáp ứng công việc của gia đình, vừa làm dịch vụ cho các hộ nông dân trong và ngoài địa phương.
Với những thành công của mình, hơn 10 năm qua, đã 7 lần ông Tám Thơi được mời ra Hà Nội tham gia các hội nghị tôn vinh nông dân tiêu biểu. Ông ít khi nói về thu nhập của mình, nhưng những người dân địa phương vẫn gọi ông là “tỷ phú nông dân”, là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trên cánh đồng lớn của ông Tám Thơi, lúc bình thường thì có 7-8 lao động, khi cao điểm (thời kỳ bón phân, phun thuốc, vào vụ thu hoạch) thì có thể lên đến 15-20 lao động. Những lao động chính thức hiện có mức lương ổn định 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Nếu ông Tám Thơi là đại diện cho tầng lớp “lão nông tri điền” thì anh Nguyễn Quốc Thắng, xã Bình Thành (huyện Đức Huệ) lại đại diện cho thế hệ người trẻ đầy năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới để theo đuổi thành công.
Anh Thắng vốn là cử nhân chuyên ngành đồ họa, có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó với hoa lệ thành phố, anh khao khát về khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Nghĩ là làm, để có vốn làm ăn, anh quyết định bán đất mặt đường để mua 6 ha đất vườn.
Sau khi tìm hiểu, anh Thắng chọn giống chanh bông tím để canh tác. Theo anh Thắng, giống chanh này rất dễ trồng, có thể phát triển tốt trên vùng đất nhiều phèn như Đức Huệ hay các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Ấn tượng từ các HTX
Có thiên thời, địa lợi, nhưng để đi đường dài, anh Thắng đã liên tục học hỏi, tích lũy kiến thức, tìm hiểu về khoa học kỹ thuật. 6 ha chanh của gia đình anh hiện đều được ứng dụng phương thức sản xuất sạch, đạt chuẩn hữu cơ, VietGAP.
“Nhờ sản xuất sạch, chanh bông tím của chúng tôi cho năng suất rất cao, với những cây trồng sau 12 tháng tuổi đạt đạt 30-50 tấn/ha/năm. Cây trồng sau 2 năm tuổi đạt 80-100 tấn/ha/năm. So với giống chanh thường thì giống chanh bông tím cho năng suất cao gấp 3 lần. Hơn nữa, trái chanh bông tím có màu xanh, vỏ dày, đẹp, vận chuyển xa rất tốt”, anh Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ.
Chanh bông tím và không hạt đang là một trong những cây trồng thế mạnh của nông dân Long An. |
Sau thành công của cây chanh bông tím, thời gian qua, anh Thắng tiếp tục mở rộng thêm 7ha để trồng chanh không hạt. Loại chanh này dù năng suất trái ít hơn chanh bông tím nhưng có giá bán cao hơn nhiều và có thị trường tiêu thụ tại châu Âu khá ổn định.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Long An đang mở đường cho nhiều nông dân vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ là những cánh chim lẻ, nhiều nông dân đã liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Điển hình như HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) đang gặt hái thành công lớn, với tổng diện tích sản xuất trên 40 ha các loại rau củ quả, trở thành điểm tựa cho hàng trăm hộ thành viên, nông dân liên kết.
Để có được những thành công hiện tại, ngay từ khi thành lập, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như xây dựng hệ thống nhà lưới, trang bị tưới tự động, sử dụng phân bón hữu cơ…
Những thay đổi trong tư duy sản xuất giúp thành viên HTX nâng cao năng suất từ 25 - 30%, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, thị trường tiêu thụ được đảm bảo và giá bán ngày càng cải thiện. Lợi nhuận bình quân của HTX hiện đạt 150 - 170 triệu đồng/ha/năm tùy loại cây.
Kể từ năm 2022 đến nay, HTX được Sở Công Thương giới thiệu, kết nối thực hiện trên 6 sàn thương mại điện tử, hiện hoạt động mạnh trên Sendo và Postmart. Mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường bình quân 3-5 tấn rau, củ, quả. Riêng trên hệ thống Sendo, mỗi tháng, HTX đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng.
Hiện thực hóa tiềm năng
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Kinh doanh của HTX Mỹ Thạnh, cho hay để sản phẩm đứng vững trên sàn thương mại điện tử, HTX rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, từ giống thuần chủng, không biến đổi gen và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện quản lý nhật ký đồng ruộng trên phần mềm để nắm rõ hơn quá trình canh tác, bảo đảm sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn quy định. 100% sản phẩm của HTX được tạo mã vạch để truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin chính xác, đồng thời tạo uy tín, chất lượng của từng sản phẩm.
“Với chất lượng cao, sản phẩm nếp Thủ Thừa của HTX đang được UBND huyện chú trọng hỗ trợ về thương hiệu để vươn xa hơn. Hiện, HTX cũng đang xúc tiến nâng cao sản lượng nếp Thủ Thừa tiêu thụ trong các kênh siêu thị, nỗ lực đưa sản phẩm đạt sao OCOP”, bà Lê Thị Hằng chia sẻ.
Với những thành công hiện tại, HTX dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối thêm với nhiều hệ thống trên sàn thương mại điện tử, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp nói chung, nhãn hiệu nếp Thủ Thừa nói riêng trở thành những sản phẩm hàng đầu của người tiêu dùng.
Với những thành công đang có, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh dự kiến tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế như lúa, chanh, cây ăn quả... Qua đó, giúp việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện cũng tăng cường chuyển giao khoa học - công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp…
Lệ Chi