Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Du, chia sẻ HTX triển khai mô hình từ năm 2019, với hai giống nho chủ lực là nho Hạ Đen, nho Mẫu Đơn. Đây là 2 giống nho có khả năng chống chịu tốt với biến động thời tiết, cho năng suất cao, chất lượng, hương vị tuyệt vời.
Trồng nho cho tiền tỷ
Ngay từ những ngày đầu đưa cây trồng mới vào sản xuất, HTX đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, sẵn sàng cạnh tranh với các mặt hàng cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, HTX chủ động ứng dụng khoa học – công nghệ vào canh tác. Cụ thể, HTX đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng và mái che, hình thành một lớp khiên bảo vệ cho cây trồng trước thời tiết và côn trùng gây hại.
Gần 3 ha nho của HTX cũng đang được triển khai theo công nghệ sản xuất của Nhật Bản, ứng dụng tưới nhỏ giọt, thiết kế giàn leo chắc chắn, qua đó vừa góp phần giảm công lao động vừa tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Cây nho đang cho thấy sự thích ứng tốt, cho giá trị cao ở Bình Lục. |
Nhờ hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cao, sản phẩm của HTX Đồng Du nhanh chóng khẳng định sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời hướng tới chế biến xuất khẩu.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã tìm kiếm và liên kết thành công với các đối tác uy tín, mở đường đưa sản phẩm nho và rượu nho vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.Hà Nội và một số địa phương khác trong cả nước.
Bên cạnh cây trồng chủ lực là nho, HTX Đồng Du còn triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ, bưởi đào, bưởi diễn, bí ngô, dưa lê và các loại rau màu khác, trên diện tích gần 3ha, cho thu nhập bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nhờ doanh thu ổn định, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định 4 triệu đồng/người/tháng. Mô hình của HTX trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với chất lượng vượt trội, sản phẩm nho tươi của HTX Đồng Du đã được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là cơ sở để HTX nâng cao uy tín, đưa thương hiệu nho Đồng Du bay cao và bay xa hơn.
Hiệu quả nhờ tư duy mới
Cũng ở xã Đồng Du, mô hình trồng bưởi VietGAP của Tổ hợp tác trồng cây ăn quả Đồng Du cũng đang cho giá trị cao, mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho hàng chục hộ dân trong và ngoài địa phương.
Tổ hợp tác hiện đang là “đầu tàu” của 38 thành viên trên tổng diện tích sản xuất hơn 10 ha. Các thành viên tổ hợp tác hiện đều là những nhà vườn có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt trong trồng trọt, chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bình Lục đang hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao thu nhập cho nông dân. |
Ông Nguyễn Văn Tuyết, một lão nông trồng bưởi hơn 20 năm cho hay chính ông là người phát triển vườn bưởi đầu tiên trên diện tích hơn 5 sào.
Những năm đầu thu hoạch, nhà ông không có đủ hàng để bán. Sau này ông giúp bà con trong làng, trong xã mở rộng diện tích để cung ứng thị trường nhiều sản phẩm hơn, đời sống và thu nhập của nông dân nhờ đó cũng nâng cao.
Năm 2019, Tổ hợp tác trồng cây ăn quả được thành lập nhằm liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản cho nông dân hiệu quả và đảm bảo các tiêu chí an toàn. Đáng chú ý, Tổ Hợp tác đã cùng với HTX Đồng Du bắt tay xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm bưởi, thanh long, bí ngô đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với các mô hình cây ăn quả hiệu quả cao như nho, bưởi…, diện mạo nông nghiệp huyện Bình Lục những năm qua cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ, với sự hình thành của hàng loạt mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
Đặc biệt, năm 2022, huyện Bình Lục đã hoàn thành quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Ðồng Du và thị trấn Bình Mỹ với diện tích 121,73ha, kêu gọi thu hút các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào sản xuất.
Đến nay, toàn huyện có 16 mô hình nhà kính, nhà màng trồng dưa vân lưới, trồng nho, rau, củ, quả sạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 3ha, giá trị thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm...
Hình thành chuỗi giá trị
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Bình Lục, các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.
Không chỉ các địa phương nằm trong vùng nông nghiệp công nghệ cao, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Bình Lục đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Như tại xã An Đổ hiện có 5 vùng trồng lúa, với tổng diện tích 180 ha. Nông dân trồng lúa được các HTX hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó giá trị hạt thóc tăng 1,3 - 2 lần so với sản xuất đại trà ngoài mô hình, ở cùng thời điểm.
Đặc biệt, các HTX trên địa bàn xã, điển hình là HTX nông nghiệp An Đổ, còn tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên kết, sản xuất theo hướng an toàn, tổ chức thực hiện mô hình mạ khay, máy cấy góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, ngành nông nghiệp huyện Bình Lục sẽ tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm...
Huyện cũng sẽ chủ động thu hút các HTX, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, gắn với xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Mỹ Chí