HTX Nấm Tam Đảo đang là điểm sáng trong phát triển sản phẩm thế mạnh với sản phẩm đông trùng hạ thảo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm của HTX cũng được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm quà tặng du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 nhờ những đặc trưng riêng.
Chuyển biến từ OCOP
Để nâng cao giá trị kinh tế, HTX đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, mã vạch truy xuất nguồn gốc và chế biến ra nhiều sản phẩm chất lượng từ đông trùng hạ thảo như: Đông trùng hạ thảo ngâm rượu, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong…
Anh Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo, cho hay mục tiêu của HTX là sản xuất và cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, mang thương hiệu riêng từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Sản phẩm OCOP ở Tam Đảo ngày càng được người tiêu dùng biết đến, mang lại giá trị cao hơn (Ảnh: Huyền Linh). |
Bên cạnh đông trùng hạ thảo, HTX Nấm Tam Đảo đã đưa ra thị trường 20 sản phẩm các loại, gồm sản phẩm tươi, sản phẩm sấy thăng hoa, mật ong đông trùng hạ thảo, ký trùng nhộng, sản phẩm trà túi lọc, cốm hòa tan…
Đáng chú ý, không chỉ dừng ở các sản phẩm chế biến thông thường, HTX còn hợp tác với các doanh nghiệp để bào chế các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị một số bệnh.
“Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX đã xác định phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành chuỗi giá trị, làm ra những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”, anh Huy nói.
Có thể thấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Tam Đảo đã thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp, HTX, hộ dân để thực hiện các mô hình nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ và đạt được những kết quả tích cực.
Kết quả, trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Đến nay, toàn huyện có 12 sản phẩm OCOP đạt 3 sao do các HTX, doanh nghiệp sản xuất, tất cả đều từ thiên nhiên, thân thiện môi trường, cho giá trị kinh tế cao.
Tiêu biểu có thể kể đến sản phẩm nấm sò và đông trùng hạ thảo của HTX Nấm Tam Đảo, các sản phẩm sữa chua và bánh sữa của HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, trà hoa vàng và trà túi lọc của công ty Trà hoa vàng Tam Đảo, tinh bột nghệ và viên tinh bột nghệ mật ong rừng của công ty cổ phần Công nghệ và Trà xanh Tam Đảo…
Cần sự phát triển bền vững
Đang có những chuyển biến đầy tích cực, song quá trình phát triển các sản phẩm thể mạnh, được gắn sao OCOP ở Tam Đảo cũng còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ, đặc biệt là về thị trường tiêu thụ.
Như tại HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý, cách đây hơn 3 năm chỉ có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Với nỗ lực xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, đến nay, HTX có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Tiêu biểu như sữa chua, sữa chua nếp cẩm, bánh sữa đặc biệt, sữa chua uống, sữa tươi thanh trùng, sữa nha đam. Ngoài cung cấp ra thị trường, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại 20 trường học trên địa bàn huyện Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).
Bà Kim Thị Tân, Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, cho biết sau hơn 3 năm gây dựng được thương hiệu với chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao, các sản phẩm của HTX đang bước đầu tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Tuy nhiên, để mở rộng và tiếp cận với thị trường lớn còn rất nhiều khó khăn. Một phần do sản phẩm là sữa nên thời gian bảo quản ngắn, việc vận chuyển khó khăn, phần vì thị trường hiện đã có nhiều thương hiệu sữa nổi tiếng cùng loại nên rất khó cạnh tranh. Vì vậy, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của HTX chủ yếu là các trường học và điểm dừng chân Tam Đảo tại gian hàng của Trung tâm hỗ trợ nông dân và một số kênh bán buôn, bán lẻ khác.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó, kết nối với các chủ thể tạo điều kiện để sản phẩm OCOP có mặt tại các gian hàng trưng bày trong các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá, kinh doanh các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử…
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chủ thể tham gia OCOP cũng cần chú trọng đến những giải pháp chuẩn hóa, nâng cao năng lực tổ chức, quản trị, chế biến sản phẩm, chủ động đầu tư công nghệ, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Cùng với đó, cần liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng được hệ thống, kênh bán hàng; tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường và chú trọng vào các hoạt động kích cầu tiêu dùng, gắn phát triển các sản phẩm OCOP với du lịch địa phương. Đồng thời, chủ động đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản phẩm để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Nhằm hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí triển khai nhiều mô hình trình diễn sản xuất lúa chất lượng cao và chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ.
Đồng thời, duy trì và mở rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ về trồng trọt, chăn nuôi đã có hiệu quả, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh an toàn, hiệu quả, bền vững.
Mỹ Chí