Những năm qua, để “mở đường” phát triển vùng cây ăn quả có múi tại các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, hình thành liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi giá trị.
Nghĩ lớn, làm lớn
Ðiển hình như huyện Hàm Yên, do phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây cho nên cây cam sành phát triển rất tốt. Nhờ các chính sách thúc đẩy đi đúng hướng, năm 2020, cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đến nay, huyện Hàm Yên có hơn 7.270ha cam, trong đó cây cam sành chiếm tới gần 80%, còn lại là các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh, cam V2.
Vùng cam của huyện tập trung chủ yếu ở 13 xã, thị trấn với hơn 5.600 gia đình trồng cam. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình ở Hàm Yên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu, có hộ trở thành “tỷ phú”.
Cây ăn quả đang là một trong những loại cây kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. |
Trong khi đó, tại huyện Yên Sơn, sau hơn 5 năm thúc đẩy, các loại cây ăn quả gần như đã phủ kín những khu đất trống và đất nương bạc màu trên địa bàn.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả sản xuất, một số xã trên địa bàn huyện Yên Sơn đã hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác để liên kết, dẫn dắt các hộ canh tác theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Điển hình như HTX nông lâm nghiệp Xuân Vân, xã Xuân Vân đang là đơn vị điển hình trong lĩnh vực trồng cây ăn quả huyện Phù Yên, với mô hình trồng bưởi VietGAP, cho giá trị 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Trung Văn, Giám đốc HTX Xuân Vân cho biết, bưởi Xuân Vân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho HTX. Để có được thành công này, thành viên HTX đã áp dụng quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Hiện, HTX đang phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện để nâng hạng các sản phẩm bưởi quả từ 3 sao lên 4 sao OCOP.
“Sau khi người dân được tiếp cận khoa học-kỹ thuật, cũng như được các đơn vị tư vấn hướng dẫn về quy trình chăm sóc theo quy định để giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, thì tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm sẽ được nâng lên và người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn trong việc sử dụng sản phẩm bưởi của xã Xuân Vân”, vị đại diện HTX Xuân Vân nói.
Xây dựng chuỗi giá trị
Hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự đồng hành của địa phương đang giúp các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Sơn phát triển ổn định, liên tục mở rộng cả về quy mô và giá trị.
Thống kê cho thấy, toàn huyện Yên Sơn đang có trên 1.000 ha diện tích trồng cây ăn quả, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Nhiều vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn của huyện đang phát triển theo hướng liên kết, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Việc liên kết trong chuỗi giá trị giúp các hộ trồng cây có thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, song đổi lại sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Nhắc đến các vùng trồng cây ăn quả tiền tỷ ở Tuyên Quang không thể không kể đến mô hình trồng chanh ở phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang. Để ứng phó quá trình đô thị hóa, nông dân đã chủ động liên kết phát triển theo chuỗi, ứng dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao giá trị, sản lượng.
Tổ hợp tác số 2 ở thôn 2 đang là một trong những điểm sáng phát triển mô hình trồng chanh VietGAP ở Đội Cấn. Từ vài ha ban đầu, đến nay Tổ hợp tác đã có hơn 50 ha trồng chanh, cho thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác, giúp đời sống của các thành viên và hộ liên kết ngày càng được cải thiện.
Tổ trưởng Tổ hợp tác số 2 Khổng Văn Nam cho biết, khu vực trồng chanh hiện nay trước đây là vùng đất trồng cây rau màu ngắn ngày, được người dân thuê khoán của doanh nghiệp. Do hiệu quả thấp, nên anh đã lên ý tưởng chuyển đổi cây trồng, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Năm 2010, người dân bắt đầu triển khai trồng chanh 4 mùa cho ra quả và thu hoạch quanh năm. Đến nay, tổng diện tích chanh đã lên đến hơn 50 ha, với sự tham gia của 30 hộ thành viên của Tổ hợp tác. Chanh sau khi trồng đến năm thứ 2 thì bắt đầu cho bói quả, đến năm thứ 3 sẽ chính thức cho thu hoạch.
Có thể thấy, trồng cây ăn quả đang là hướng đi hiệu quả cho nhiều nông dân ở Tuyên Quang. Để nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích, hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đang tổ chức rà soát, đánh giá những diện tích đất đai thích hợp trồng các cây trồng chủ lực, cây trồng đặc sản của địa phương để hướng dẫn nhân dân lựa chọn trồng các cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường.
Gần 5 năm qua, tỉnh cũng ban hành 4 Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả, như: Cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển HTX, trang trại; hỗ trợ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng sản xuất.
Lệ Chi