Cam Thượng Lộc có lợi thế về chất lượng, vị ngọt thanh, mát, hình thức mẫu mã đẹp, vỏ quả mỏng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Toàn xã Thượng Lộc hiện có tổng diện tích trồng cam trên 220 ha, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 150 ha. Năng suất cam đạt trung bình 11 - 14 tấn/ha, sản lượng đạt 15 - 16 nghìn tấn/năm.
Làm giàu từ cây cam
Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có khoảng 350 hộ phát triển mô hình trồng cam. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, cây cam đang được đánh giá là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Cam được mệnh danh là cây làm giàu cho người dân Thượng Lộc (Ảnh TL). |
Điển hình, từ khi tham gia vào HTX Trà Sơn, diện tích trồng cam của gia đình anh Nguyễn Văn Trạch không ngừng được mở rộng. Đến nay, gia đình anh đã xây dựng thành công khu vườn gần 1.700 gốc cam, chủ yếu là giống cam chanh, thu nhập bình quân đạt 500 - 600 triệu đồng/năm.
Anh Trạch cho biết sau khi tham gia vào HTX, gia đình anh được “cầm tay chỉ việc” trồng cam theo quy trình chuẩn từ cách làm đất, cắt tỉa, bón phân, tưới nước... đến đăng kí sản xuất thâm canh theo hướng VietGAP.
"Không chỉ về kỹ thuật, khi tham gia vào HTX, chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ chính sách phát triển của địa phương. Phân bón và chế phẩm sinh học đều được công ty cung cấp trực tiếp, không qua khâu trung gian, vì vậy đồng vốn bỏ ra giảm đáng kể", anh Trạch phấn khởi nói.
Cũng nổi tiếng làm giàu từ cây cam, bà Phan Thị Hiền hiện đang là Giám đốc HTX Dịch vụ thương mại - Cây ăn quả Thanh Hiền. HTX hiện có 7 hộ thành viên, diện tích trồng cam gần 14 ha, với hơn 4.500 cây cam.
Hiện nay vườn cam của gia đình bà Hiền có gần 1.000 gốc cam, trong đó 600 cây đã cho thu hoạch. Kể từ năm 2016 đến nay, mỗi năm gia đình bà thu bình quân 26 - 30 tấn cam, doanh thu đạt 1 - 1,2 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu về 700 - 800 triệu đồng/năm.
Vườn cam của gia đình bà đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm thu hoạch, vườn cam tạo việc làm cho 6 – 8 lao động.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Hiền còn tích cực vận động, hướng dẫn các hộ quanh vùng trồng cam sạch, giúp đỡ một số hộ khó khăn về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, kinh nghiệm trồng chăm sóc, bón phân, phòng trừ bệnh cho cây cam.
Nâng tầm sản xuất
Cam Thượng Lộc đa dạng về chủng loại, thời vụ thu hoạch kéo dài nhiều tháng trong năm, vì vậy đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Theo các hộ sản xuất, cam Thượng Lộc phổ biến nhất hiện tại là các giống cam chanh với diện tích 179,5 ha (chiếm 71,8%), cam giòn với 25ha (chiếm 10%)... Cam chanh là giống cam truyền thống của địa phương, được di thực đến Thượng Lộc từ trước năm 1995.
Các mô hình được định hướng phát triển theo hướng VietGAP (Ảnh TL). |
Hiệu quả của mô hình trồng cam đang là chìa khóa giúp xã Thượng Lộc trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Can Lộc. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt trên 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
Để tiếp tục phát triển cây cam theo hướng bền vững, chính quyền và người dân xã Thượng Lộc đang chủ động phát triển mô hình theo hướng VietGAP, chú trọng cơ giới hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cho sản phẩm.
Cùng với việc phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, địa phương đang tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kết nối với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, có uy tín để hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa, đảm bảo thị trường, giá bán cao cho người dân.
Nhật Minh