Nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 391, Binh đoàn 12 tham gia mở Đường chiến lược N2 (sau này gọi là Đường 279 - tuyến đường chiến lược vành đai 2 từ Uông Bí (Quảng Ninh), đi qua 10 tỉnh biên giới phía Bắc, kết thúc ở cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên), sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh (CCB) Trần Trọng Bình (quê huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã chọn ở lại mảnh đất Mộc Châu (Sơn La) lập nghiệp.
Thắp lên khát vọng khởi nghiệp
Bao năm mưu sinh vất vả, làm kinh tế nhỏ lẻ theo hộ gia đình không đem lại hiệu quả cao, năm 2010, ông Bình đứng ra liên kết với các CCB trên địa bàn thành lập HTX dịch vụ CCB Mộc Châu để cùng nhau phát triển kinh tế.
Những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, ngành nghề chủ yếu là đầu tư khai thác, nuôi ong lấy mật; nấu cao ngựa bạch; chế biến sản phẩm trái cây và tiêu thụ các loại nông sản địa phương.
Cao nguyên Mộc Châu có lợi thế lớn về đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, tiềm năng phát triển của HTX khá lớn, nhưng theo ông Bình, vấn đề then chốt vẫn là nguồn vốn để HTX duy trì và phát triển. Để giải bài toán này, ông Bình hiểu rằng mình phải là đầu tàu gương mẫu trong việc đóng góp vốn, tìm kiếm thị trường và minh bạch trong quản lý. Bằng nhiệt huyết của mình và hiệu quả của HTX đem lại, đến nay HTX đã thu hút được 22 thành viên.
Theo chia sẻ của ông Bình, không phải ai cũng có thể tham gia vào HTX, bởi "cái cốt lõi” để duy trì và phát triển của một tổ chức đó chính là sự nhiệt huyết và ý chí phấn đấu". Vì thế, cá nhân muốn tham gia vào HTX phải thực sự là người có khát vọng vượt khó, làm giàu tại chính mảnh đất quê hương.
Ở cái tuổi mà nhiều người đã muốn nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, nhưng ông Bình vẫn cần mẫn, đam mê sản xuất nông nghiệp sạch. “Điều khiến tôi vẫn say mê công việc, đó là sản xuất được các sản phẩm sạch và an toàn để phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tôi và các thành viên đang tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm để thu hút du khách; tăng cường, quảng bá sản phẩm nông sản sạch của HTX đến với bạn bè và du khách quốc tế”, ông chia sẻ.
Với phương châm “Học tập và làm theo Bác phải cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm”, lãnh đạo HTX đã chú trọng việc hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Trong 3 năm gần đây, HTX CCB Mộc Châu đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 60 lớp tập huấn cho hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả: chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả, trồng rừng, chè, cây rau màu, nuôi ngựa nấu cao,…
Năng động, đoàn kết làm kinh tế
Tận dụng lợi thế về thiên nhiên của địa phương, HTX CCB Mộc Châu đã lựa chọn nuôi ong lấy mật làm hướng phát triển chính. Hiện, HTX đang sở hữu 1.500 thùng ong, mỗi năm sản xuất được từ 100 - 130 tấn mật ong, đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
Theo ông Bình, việc nuôi ong không chỉ đơn giản là thả ong vào rừng đi kiếm mật mà đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiến thức chuyên sâu. “Ong là loài vật nuôi có thế mạnh, nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Mật ong của HTX luôn tuân theo đúng quy định kỹ thuật, như địa điểm nuôi phải ở nơi có không gian rộng rãi, trong sạch, không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại. Tránh đặt thùng ong gần các cơ sở chế biến đường thủ công; thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh”, ông Bình cho biết.
Ngành nghề chủ yếu của HTX CCB Mộc Châu là đầu tư khai thác, nuôi ong lấy mật; nấu cao ngựa bạch; chế biến sản phẩm trái cây và tiêu thụ các loại nông sản địa phương. |
Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả nuôi ong, như xây dựng vùng nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc và thương hiệu. Nhờ vậy, sản phẩm mật ong và phấn ong của HTX được Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản Sơn La cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất mật ong, HTX còn mở rộng sang các sản phẩm khác như cao ngựa bạch mắt đỏ – một sản phẩm truyền thống quý giá được sử dụng trong y học dân gian điều trị xương khớp, tăng sinh lực phái mạnh,…
Để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm của HTX, Giám đốc Trần Trọng Bình không quản vất vả, xa xôi, hễ ở đâu có hội chợ hàng nông sản là ông xin phép địa phương được mở gian hàng giới thiệu sản phẩm: Mật ong rừng, hoa quả sấy, cao ngựa bạch, nông sản tươi… đến người tiêu dùng.
Với hướng đi, cách làm đúng đắn, mỗi năm trừ chi phí, các thành viên HTX thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Hiệu quả từ khai thác mật ong và các sản phẩm từ mật ong của HTX được các cấp hội CCB trên địa bàn huyện triển khai nhân rộng.
Các thành viên trong HTX không chỉ coi nhau là đồng nghiệp mà còn như những người bạn, người đồng đội. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên một tập thể đoàn kết, vững mạnh, xây dựng kinh tế tập thể phát triển bền vững.
Lan tỏa mô hình kinh tế hợp tác
“Sự thành công của HTX CCB Mộc Châu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên mà còn trở thành một hình mẫu để nhiều địa phương khác học hỏi và nhân rộng. Nhờ vào việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nuôi ong, kết hợp với các hoạt động chế biến nông sản, HTX đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong ngành nông nghiệp”, lãnh đạo địa phương đánh giá.
Ông Bình cùng các thành viên HTX cũng nhân rộng mô hình xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao đến các địa phương trên địa bàn huyện, cung cấp nguồn cung thực phẩm sạch cho cộng đồng. Nhiều năm liền, cá nhân ông và HTX được các cấp, các ngành từ tỉnh đến trung ương tặng giấy khen, bằng khen, các chứng nhận về an toàn thực phẩm.
HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả nuôi ong, như xây dựng vùng nuôi ong lấy mật theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc và thương hiệu. |
Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Bắc, Sơn La là một trong số địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Hơn 10ha trồng rau màu đang trong giai đoạn thu hoạch của HTX bị dập nát, nhiều vùng trũng bị ngập sâu, khiến cho toàn bộ diện tích bị mất trắng.
“Ngay sau khi bão qua, các thành viên HTX đã cùng nhau thu gom, dọn dẹp, vượt qua nỗi buồn để tái phục hồi, xác định còn người là còn của. HTX triển khai khơi thông dòng chảy, xây dựng kho xưởng, khu sơ chế chắc chắn hơn để an tâm sản xuất”, ông Bình kể.
Hiện tại, các sản phẩm của HTX chủ yếu được bán ở các kênh truyền thống, bởi vậy, việc tiếp cận với đông đảo tệp khách hàng còn hạn chế. HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong công tác truyền thông, quảng bá để các sản phẩm “sạch, an toàn, chất lượng” được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Khó khăn là vậy, nhưng HTX CCB Mộc Châu vẫn luôn đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu. Các thành viên không chỉ muốn tăng sản lượng mà còn chú trọng vào việc bảo vệ môi trường và duy trì chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những giá trị lâu dài cho cộng đồng và xã hội.
Có thể thấy, HTX CCB Mộc Châu là minh chứng rõ nét cho tinh thần "Cùng giúp nhau lập nghiệp, làm giàu" của những CCB kiên cường. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh, phát triển bền vững trên mảnh đất Mộc Châu đầy tiềm năng.
Lê Hồng