Tân Dân vốn là vùng đất trũng với vô vàn khó khăn, nhưng HTX Nông sản Phú Quý đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế để bứt phá vươn lên xây dựng những cánh đồng bưởi, cam, chanh… xanh mướt ngút ngàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cơ giới hóa sản xuất
Những năm gầy đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Khoái Châu đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực, đặc biệt là các mô hình trồng cây có múi như: cam, quýt, bưởi,… đã được đưa vào canh tác.
Trước kia, đa số nông dân trồng cam theo phương pháp truyền thống, không đủ điều kiện đầu tư máy móc hiện đại,... Xuất phát từ thực tế đó, mô hình trồng cam đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ của HTX Nông sản Phú Quý đã và đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.
HTX đầu tư toàn bộ máy móc hiện đại vào quy trình chăm sóc: máy phun tưới, máy làm cỏ, máy xới đất, hệ thống tưới tiêu tự động,... |
HTX thành lập từ năm 2012, với tổng diện tích gần 60ha đất canh tác. Thời gian qua, HTX đã triển khai mô hình trồng chủ yếu cây cam, quýt đường, trồng xen một số loại cây ăn quả khác, theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trong toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc và cho đến khi thu hoạch, HTX không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, không sử dụng các loại thuốc bảo quản giữ tươi hay làm bóng trái, nhằm cung cấp cho khách hàng những trái ngọt "chuẩn ngon", an toàn, dinh dưỡng cao.
Tận mắt chứng kiến hàng vạn cây cam, chanh của HTX đang vươn lên xanh tốt, mới thấy rõ sức trẻ và sự quyết tâm chinh phục đồng đất nơi đây. Anh Nguyễn Hữu Hà - Giám đốc HTX Nông sản Phú Quý cho biết: “Sau khi ký hợp đồng thuê ruộng của người dân, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đúng quy trình. Toàn bộ cánh đồng cam, chanh, chúng tôi chăm sóc tưới và cung cấp dinh dưỡng hữu cơ cho cây bằng hệ thống bơm tự động”.
Với mục tiêu cơ giới hóa sản xuất để hướng tới một chiến lược kinh doanh hiện đại, bài bản và hiệu quả, HTX đầu tư toàn bộ máy móc tiên tiến vào quy trình chăm sóc: máy phun tưới, máy làm cỏ, máy xới đất,… tất cả đều được nhập khẩu. Với diện tích canh tác lớn cùng công cụ hỗ trợ, mọi công việc đều được hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả, giảm sức lao động.
"Chi phí mua máy móc ban đầu có thể rất cao nhưng xét về lâu dài thì vô cùng tiện, "ngon, bổ, rẻ!", anh Hà hồ hởi nói.
Thu 700 tấn quả mỗi năm
Trong quá trình sản xuất, HTX ký hợp đồng với một số đơn vị để cung cấp phân bón cho các hộ thành viên, với các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô… Đồng thời, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất cam.
Với tổng diện tích gần 60ha đất canh tác, trung bình mỗi năm, HTX thu gần 700 tấn quả, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. |
“HTX phấn đấu từng bước chuyển dịch sang sản xuất cam an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên HTX cam kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong toàn bộ HTX; đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm; tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp”, Giám đốc Nguyễn Hữu Hà cho biết.
Nhờ đó, trung bình mỗi năm, sản lượng quả của HTX đạt gần 700 tấn, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Từ hoạt động sản xuất hiệu quả, đến nay có 28 gia đình được HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên với thu nhập từ 60 – 130 triệu đồng/năm. Đồng thời, HTX tạo việc làm cho 200 lao động theo thời vụ với thu nhập khoảng 250 nghìn đồng/người/ngày…
Hiện, các sản phẩm cam của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, tại các hệ thống Siêu thị Tmart, Vinmart… Đặc biệt, sản phẩm cam của HTX đã được bày bán tại Siêu thị Big C Thăng Long và nhận được sự chào đón của người tiêu dùng trên địa bàn cả nước; đó cũng là cú hích để sản phẩm cam của HTX tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường.
Cùng với những kết quả thu được, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: Hưởng ứng các phong trào của Hội Nông dân phát động, ủng hộ các loại quỹ của địa phương; đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho nhiều người dân khi đến HTX tham quan, học hỏi…
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu
HTX Nông sản Phú Quý đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cam, không chỉ tại thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Việc sử dụng giống cam chất lượng cao, kết hợp với kỹ thuật trồng trọt tiên tiến và quy trình chăm sóc nghiêm ngặt đã giúp cam Phú Quý có hương vị thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giám đốc Nguyễn Hữu Hà cho biết, HTX đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu và đạt được các chứng nhận cần thiết như VietGAP, GlobalGAP, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.
HTX đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu và đạt được các chứng nhận cần thiết như VietGAP, GlobalGAP, với mục tiêu xuất khẩu cam sang các thị trường quốc tế "khó tính" như châu Âu và Bắc Mỹ. |
Tuy nhiên, hành trình xuất khẩu cam ra thị trường quốc tế không phải là điều dễ dàng. HTX Nông sản Phú Quý đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch và quy định pháp lý của các quốc gia nhập khẩu.
“Chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều vào công nghệ sau thu hoạch, từ khâu thu hoạch, bảo quản cho đến đóng gói sản phẩm để đảm bảo cam giữ được độ tươi ngon và dinh dưỡng khi đến tay người tiêu dùng quốc tế. Ngoài ra, việc tìm kiếm đối tác, xây dựng mạng lưới phân phối ở nước ngoài cũng là một thách thức lớn,” anh Hà chia sẻ.
HTX cũng đang tích cực làm việc với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu lớn hơn. Các hoạt động này bao gồm việc tham gia các hội thảo chuyên ngành, các buổi gặp gỡ với các nhà nhập khẩu tiềm năng và việc xây dựng mạng lưới đối tác toàn cầu. Đồng thời, HTX cũng đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường để tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế, từ đó điều chỉnh sản phẩm và chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Hơn nữa, vốn vẫn là một "bài toán khó" đối với các HTX nông nghiệp đang dần chuyển đổi để đưa công nghệ vào quy trình sản xuất.
Theo đó, mục tiêu của HTX trong thời gian tới là tiếp tục tạo ra khối lượng lớn sản phẩm quả có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm với quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Đó cũng là nền tảng giúp HTX tạo niềm tin để tiếp tục chinh phục thị trường quốc tế.
Lê Hồng