Sản xuất lúa công nghệ cao ở Long An đang có những bước tiến tích cực. |
Hiện đại và sạch
Vĩnh Hưng là một trong những huyện trọng điểm về xây dựng mô hình trồng lúa công nghệ cao tại Long An. Năm 2019, huyện triển khai 19 mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 950ha.
Năm 2020, huyện đang chủ động nhân rộng mô hình nhằm đạt mục tiêu 1.650ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 100% diện tích sử dụng giống xác nhận, 50% diện tích sản xuất áp dụng biện pháp giảm giống (cấy, sạ không quá 120kg/ha).
Đặc biệt, huyện phấn đấu có ít nhất 30% diện tích sản xuất toàn vùng ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác lúa theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Vĩnh Hưng đã tạo nhiều điều kiện giúp HTX mở rộng sản xuất, hình thành liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân canh tác theo hướng VietGAP.
Ông Lý Văn Long – Giám đốc HTX nông nghiệp Trung Trực (xã Thái Bình Trung, huyện Trung Trực), cho biết sản xuất theo chuẩn VietGAP đòi hỏi nông dân giảm thiểu lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên sử dụng phân vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học.
Việc giảm thiểu lượng hóa chất trong canh tác giúp người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá bán, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn tình trạng thoái hóa đất, nước dẫn tới nguy cơ giảm năng suất.
“Tại HTX Trung Trực, các mô hình chỉ xịt một lần thuốc rầy, có hộ không xịt. Lượng phân bón giảm đáng kể, nhất là đạm giảm khoảng 50kg/ha, từ đó giúp chi phí đầu tư của thành viên thấp hơn ngoài mô hình khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/ha, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Giám đốc Lý Văn Long cho hay.
Dù giảm lượng phân bón, thuốc hóa học để bảo vệ môi trường, nhưng nhờ canh tác đúng kỹ thuật, có sự hỗ trợ của chuyên gia, các cánh đồng của HTX Trung Trực vẫn hạn chế được dịch hại, nhất là sâu năn, rầy nâu, qua đó đảm bảo năng suất cao hơn ngoài mô hình khoảng 0,5 tấn/ha.
Lúa công nghệ cao mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường sinh thái (Ảnh TL) |
Hiệu quả nâng lên
Thực tế, trong những năm qua, cùng với chủ trương thúc đẩy trồng lúa công nghệ cao, tỉnh Long An đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật , quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để nâng cao năng suất lúa.
Ông Trần Văn Ngấm – Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Lạc (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa), đánh giá việc ứng dụng IPM mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường. Về kinh tế, IPM giúp tăng năng suất 25 – 30%, chất lượng lúa cao giúp giá bán ổn định.
Về môi trường, ứng dụng IPM đồng nghĩa nói không với hóa chất độc hại. Nông dân thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường thì được hướng dẫn sử dụng các loại bẫy bả như bẫy chua ngọt, bẫy dính, bẫy pheromone để bắt côn trùng trưởng thành.
“Trong quá trình canh tác, nông dân chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và phải theo nguyên tắc 4 đúng đó là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách theo hướng dẫn của Trạm BVTV trên địa bàn”, Giám đốc HTX Trần Văn Ngấm cho hay.
Sản xuất sạch không chỉ nằm trong chủ trương phát triển trồng lúa công nghệ cao của tỉnh mà còn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.
Những năm qua, tỉnh Long An đã chủ động hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ cho lúa và tưới nhỏ giọt, điều chỉnh việc cấp nước phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Rõ ràng, mô hình sản xuất lúa công nghệ cao đang mang lại lợi ích kép cho người dân trên địa bàn tỉnh Long An. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần thúc đẩy thêm nhiều chính sách hỗ trợ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhật Minh