Kể từ năm 2021 đến nay, bà Mai Thị Lượm cùng nhiều hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa (Thạnh Lợi, Bến Lức, Long An) mạnh dạn chuyển đổi hàng chục ha đất canh tác kém hiệu quả sang trồng rau má hữu cơ, VietGAP. Lúc cao điểm, bà Lượm thu vài triệu đồng/ngày.
Trồng rau má “kiếm bộn”
“Sau thời gian dài gắn bó với các cây trồng truyền thống như chanh, ổi, nhưng thị trường bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định, những năm qua, chúng tôi được HTX định hướng chuyển đổi sang trồng rau má VietGAP, thu nhập ngày càng được nâng lên”, bà Lượm chia sẻ.
Đại diện HTX Thạnh Hòa cho hay để phát triển mô hình theo hướng bền vững, HTX chủ động liên kết trồng rau má với Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại CCV Group với tổng diện tích 35ha, 100% sản phẩm được ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với giá bán 10.000-17.000 đồng/kg.
Cây rau má đang mở hướng thoát nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân, HTX ở Long An. |
Hiện, bình quân mỗi ngày, HTX giao cho doanh nghiệp 15-20 tấn rau má. Nhờ cây rau má mà các thành viên HTX có việc làm và thu nhập ổn định. Theo tính toán, trung bình 1 ha rau má sẽ cho năng suất 7-9 tấn/lần thu hoạch. Một năm có thể thu hoạch 10 - 12 lần.
Thực tế cho thấy, hiện tại, bên cạnh 2 cây trồng chủ lực là lúa và chanh, mô hình trồng rau má đang cho thấy tiềm năng phát triển rất mạnh ở Bến Lức. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác loại cây này để người dân, HTX sản xuất hiệu quả.
Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế liên tục gia tăng, cây rau má hiện cũng đang là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đại diện UBND xã Hòa Khánh Tây cho biết, mô hình trồng rau má chỉ thực sự phát triển mạnh tại địa phương từ năm 2018. So với cây lúa truyền thống, rau má đang cho lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 7 lần, giá trị bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha.
“Hái ra tiền” từ nấm rơm
Cùng với cây rau má, những năm gần đây, mô hình trồng nấm rơm cũng đang nổi lên như một điểm sáng giúp nhiều nông dân ở Long An phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.
Đơn cử, trong khi nhiều nông dân đang chật vật với điệp khúc "được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa" thì ở ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, ông Trần Hữu Công đang liên tục gặt “hái ra tiền” với cây nấm rơm. Ở tuổi ngoài 60, ông Chín Công đang là gương sáng làm giàu tại địa phương.
Mô hình trồng nấm rơm cũng cho thấy hiệu quả kinh tế cao nếu áp dụng đúng khoa học kỹ thuật (Ảnh: BLA) |
Trước khi đến với nghề trồng nấm, gia đình ông Chín Công gắn bó nhiều năm với việc chăn nuôi gà, bò và trồng rau màu. Cách đây 3 năm, nhận thấy cây nấm có tiềm năng phát triển, ông Chín Công quyết định chuyển hẳn sang loại cây này.
Theo ông Chín Công, nông dân có thể trồng nấm rơm quanh năm, chỉ cần có rơm là có thể trồng. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy cuốn rơm loại hiện đại. Với sự hỗ trợ của máy móc, ông còn trở thành đầu mối cung cấp rơm tại địa phương.
Nhờ những cách làm thông minh, mô hình trồng nấm đang giúp gia đình ông Chín Công có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Có những ngày khu trồng nấm thu hoạch rộ, lại được giá, tiền bán nấm tôi có thể mua cả chỉ vàng”, ông Chín Công tiết lộ.
Định hướng đi bền vững
Không chỉ phát triển nhỏ lẻ, mô hình trồng nấm rơm đang được nhân rộng tại nhiều địa phương tỉnh Long An, tập trung nhiều ở Bến Lức, Đức Hòa... Nếu thời tiết thuận lợi người trồng nấm có thể lãi gấp đôi, gấp 2,5 lần vốn đầu tư.
Như tại ruộng nấm rơm của gia đình bà Phan Thị Nương (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) hiện đang thu hoạch. Bà Nương cho biết, vụ này, gia đình bà đầu tư khoảng 6 triệu đồng với hơn 200 cuộn rơm. Vẫn với cách trồng truyền thống và áp dụng một số phương pháp mới, nấm phát triển khá tốt.
Giá bán nấm đang dao động từ 75.000-95.000 đồng/kg. Với mức giá này, vụ này nhà tôi dự kiến thu về khoảng 22-24 triệu đồng. Nấm rơm được thu hoạch liên tục từ 7-10 ngày, 1 vụ kéo dài khoảng gần 1 tháng”, bà Nương hồ hởi hói.
Theo cán bộ nông nghiệp huyện Đức Hòa, mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đầu tư ít vốn, thời gian trồng ngắn. Những năm qua, huyện đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng nấm rơm cho người dân. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình tại một số xã, thị trấn có điều kiện phù hợp, nâng cao giá trị kinh tế.
Huyện Đức Hòa có diện tích đất trồng lúa khá lớn, đây cũng là lợi thế để các hộ trồng nấm tận dụng nguồn phế phẩm từ cây lúa để sản xuất. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện địa phương đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại thu nhập cho người dân, cải thiện kinh tế không ít hộ gia đình.
Có thể thấy, bằng những cách làm sáng tạo, thay đổi trong tư duy sản xuất đang giúp các HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An thoát nghèo, làm giàu với các loại cây trồng tưởng như đã cũ. Để tiếp tục phát huy thành công, các địa phương cần tăng cường chuyển giao khoa học - công nghệ và khuyến nông, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất…
Đặc biệt, các địa phương cần thúc đẩy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị,... qua đó, giúp việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản.
Lệ Chi