Gần 5 năm kể từ ngày đưa ra quyết định tạo bước ngoặt cho cuộc đời mình ấy, Lâm Thị Mỹ Tiên chia sẻ trước khi quyết định trở về quê hương, chị chưa từng nghĩ tới việc sẽ gắn bó với vườn tược dù xuất thân từ một gia đình thuần nông. Nhưng rồi những chuyến đi đã thay đổi tất cả.
Đi khắp thế giới vẫn... “ngóng” vườn
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tiên bắt đầu hành trình đi du học tại Hà Lan. Trong 3 năm học tập tại xứ người, chị có cơ hội chu du nhiều nước châu Âu, từ Pháp, Đức, Bỉ, đến Na Uy, Ý...
Trong vô số những vùng đất đã đặt chân đến, bán đảo Amalfi (Ý) chính là nơi gây được ấn tượng đặc biệt với cô gái trẻ đến từ Việt Nam. Lâm Thị Mỹ Tiên bị thu hút bởi cách làm nông nghiệp của những người nông dân ở Amalfi, và loại quả đặc trưng của họ là trái chanh vàng.
Sau khi đặt chân đến nhiều quốc gia khắp Á Âu, Lâm Thị Mỹ Tiên chọn về quê làm... nông dân. |
“Đi tới bất kỳ nơi nào ở Amalfi chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh của trái chanh vàng. Không chỉ được trồng tại các nông trại rộng lớn, chanh vàng được chế biến thành nước uống, đồ ăn, hoặc dùng để làm giàn trang trí, vẽ hình ảnh trên tường, thêu lên quần áo...”, chị Tiên chia sẻ.
Cách làm độc đáo của người dân Amalfi với trái chanh vàng khiến Lâm Thị Mỹ Tiên liên tưởng tới những người nông dân quê mình, sản xuất trên vùng đất cũng có những thế mạnh đặc biệt về cây có múi như cam, quýt, bưởi... nhưng thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa dội chợ”.
Suy nghĩ ấy cứ đau đáu trong tâm tưởng của cô gái đất Bình Dương, đến một ngày định mệnh của năm 2019, Tiên quyết định từ bỏ nhiều cơ hội việc làm ở Hà Lan và châu Âu để trở về Việt Nam, đem theo khát vọng định nghĩa lại tên tuổi của các loại trái cây đặc sản nổi tiếng tại quê hương.
Cuộc sống của chị Tiên nhanh chóng đảo ngược hoàn toàn khi ngày đêm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và xung quanh là những lời bàn tán xôn xao về sự nghiệp. Để có thêm kinh nghiệm, chị đã sắp xếp công việc sang một số nước như Tây Ban Nha, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản để học hỏi cách trưng bày, phân loại nông sản, và lan tỏa câu chuyện thương hiệu trên đa nền tảng.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, đến nay, ở tuổi 26, Lâm Thị Mỹ Tiên đã xây dựng nên thương hiệu C-Farm, quản lý hơn 10 ha trồng nhiều loại nông sản, như: cam sành, cam xoàn, cam V2, quýt đường, quýt hồng… với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Bắt tay thành lập HTX để làm giàu
Sau khi đã hoàn thiện quy trình sản xuất, bắt đầu gặt hái những thành công ban đầu với trang trại quy mô lớn của mình, Lâm Thị Mỹ Tiên cùng các cộng sự đang thúc đẩy nghiên cứu, liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm sốt cam, quýt dùng trong chế biến thực phẩm kết hợp cùng mật hoa dừa.
Cuối năm 2023, vùng sản xuất của chị Tiên được UBND huyện Bắc Tân Uyên cấp giấy chứng nhận các sản phẩm cam sành, cam xoàn, quýt đường, chuối cau đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Sau những thành công đạt được, chia sẻ về dự định của mình, chị Tiên bày tỏ: “Qua những hành động thực tế, các video làm vườn đăng tải trên mạng xã hội, mình muốn truyền động lực khởi nghiệp tới những người trẻ, đặc biệt là những người khát khao lập nghiệp từ nông nghiệp. Mình cũng muốn lan tỏa hình ảnh của nông sản Việt ngày càng vươn xa hơn cả trong và ngoài nước”.
Câu chuyện khởi nghiệp của Lâm Thị Mỹ Tiên đang truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ, đồng thời cho thấy thế mạnh về cây có múi ở vùng đất Bắc Tân Uyên nếu được phát huy tốt có thể mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho hàng nghìn hộ sản xuất trong và ngoài địa phương.
Cây có múi sẽ tiếp tục được đầu tư trọng điểm nhằm mở hướng làm giàu cho nông dân Bắc Tân Uyên. |
Đáng chú ý, dựa trên thế mạnh từ cây ăn trái, không ít nông dân trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực sản xuất, gia tăng giá trị canh tác.
Đơn cử, ở xã Tân Mỹ hiện có HTX Cây ăn trái Tân Mỹ là một trong những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả và điển hình của tỉnh. HTX có 22 thành viên, với tổng diện tích canh tác trên 60 ha, trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới.
Tổng sản lượng sản xuất của HTX này hiện đạt trên 300 tấn/năm, doanh thu trung bình hơn 18 tỷ đồng/năm, đạt lợi nhuận gần 2,8 tỷ đồng, đã tạo việc làm cho 36 lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt 90 triệu đồng/người/năm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Cây ăn trái Tân Mỹ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. HTX xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử mã code QR để truy xuất nguồn gốc.
Phát huy giá trị từ cây ăn trái
Với những nỗ lực đó, hiện nay sản phẩm của HTX Tân Mỹ được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã đạt OCOP 4 sao. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm bưởi của HTX còn đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc và Singapore.
Ngoài ra, theo ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX, hướng tới sản phẩm hữu cơ, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, HTX đang nghiên cứu làm phân bón hữu cơ để thay thế phân bón hóa học. Bên cạnh đó, gần đây mở rộng sản xuất muối tiêu lốp xuất phát từ ý tưởng “muối tiêu chấm với bưởi da xanh để tạo ra vị “ngon lạ”.
Có thể thấy, với những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cùng sự xuất hiện của những người trẻ khởi nghiệp xuất sắc như chị Lâm Thị Mỹ Tiên, hay các HTX, tổ hợp tác điển hình, mô hình trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi ở Bắc Tân Uyên ngày càng phát triển, cho hiệu quả cao.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có trên 3.000 ha cây có múi, trong đó có hơn 200 ha chứng nhận VietGAP và gần 100 ha canh tác hữu cơ. Với sản lượng bình quân đạt trên 50 tấn/ha/năm, mang lại doanh thu cho HTX, bà con nông dân từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Trong những năm tiếp theo, Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay thâm canh trồng mới, trồng lại, xây dựng kho lạnh bảo quản quả; cấp chứng nhận sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP cho các trang trại, tổ hợp tác, HTX. Bên cạnh các giống truyền thống, huyện đưa thêm nhiều giống cam, bưởi, quýt mới như: cam xã Đoài, BH32, cam mật không hạt, bưởi Bạch Đằng,... nhằm đa dạng hóa giống, rải vụ thu hoạch.
Mỹ Chí