Sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay, huyện Đô Lương đã có 32/32 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 15,625%. Diện mạo nông nghiệp, nông thôn toàn huyện có những chuyển biến toàn diện.
100% xã về đích nông thôn mới
Điểm nhấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đô Lương là sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội , đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển.
Đến hết năm 2022, huyện có 3 tuyến đường quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 180 km đi qua địa bàn, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã thuận lợi; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp.
Y tế, giáo dục trên địa bàn huyện có bước phát triển toàn diện. Công tác thu hút đầu tư được đổi mới từ khâu tổ chức gặp gỡ, mời gọi, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư của huyện.
Diện mạo nông thôn mới huyện Đô Lương đang có khởi sắc toàn diện. |
Trong 10 năm, huyện đã thu hút được 1.796 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 23.688 tỷ đồng. Trong đó, đã có 83 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Hiện, 100% dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới được Đô Lương thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công. Huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10 năm luôn duy trì ở mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, năm 2022 đạt gần 490 tỷ đồng.
Huyện có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,2 triệu đồng năm 2010 đến năm 2022 đạt 65,76 triệu đồng, trong đó khu vực nông thôn đạt 57,83 triệu đồng/người/năm.
Điểm tựa từ nông nghiệp hiện đại
Theo lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, để có được những thành công trên, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất, ưu tiên triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi, nông nghiệp công nghệ cao, với “đầu tàu” là những HTX, doanh nghiệp.
Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực tìm kiếm thị trường, chủ động xây dựng, nâng tầm thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; thu hút và triển khai các dự án đầu tư để chuyển dịch lao động nông thôn và thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Nhờ hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, huyện đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, với các sản phẩm chủ lực, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ.
Nông nghiệp là điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới huyện Đô Lương. |
Điển hình như mô hình trồng dược liệu gắn với chiết xuất chế biến tinh dầu với tổng diện tích 20 ha của HTX thực phẩm sạch chế biến tinh dầu dược liệu Đô Lương. Những năm qua, HTX đã liên kết và trở thành điểm tựa trong tổ chức sản xuất cho thành viên, nông dân liên kết, đồng thời thu mua 100% sản phẩm.
Hay như mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm rau các loại giữa HTX nông sản an toàn Trung Sơn và Công ty Vincommerce thu mua toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả, rau gia vị các loại do hợp tác xã sản xuất ra... Hiện, đã có trên 11 mặt hàng nông sản của HTX được siêu thị Winmart đặt hàng tiêu thụ.
Chăn nuôi của huyện cũng có bước phát triển vượt bậc, với hình thức chăn nuôi đa dạng, chăn nuôi trang trại phát triển theo hướng an toàn sinh học, VietGAP. Trên địa bàn huyện có 310 trang trại, gia trại, trong đó có 26 trang trại đạt chuẩn.
Nổi bật như mô hình chăn nuôi lợn tại xã Bồi Sơn và xã Tràng Sơn với tổng quy mô 5.400 con/năm; mô hình liên kết chăn nuôi gà thịt giữa Tổ hợp tác Chăn nuôi Gà Đô Lương với quy mô 36.000 con/năm được Công ty TNHH ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nắng và gió thu mua giết mổ chế biến để cung cấp cho các siêu thị…
Tiếp tục nâng chất nông thôn mới
Có thể thấy, với sự đồng lòng, chung sức của người dân, cùng những chiến lược phát triển nông nghiệp hiệu quả đang giúp huyện Đô Lương tạo nên những thành công tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới, từ đó nâng cao đời sống kinh tế và tinh thần cho người dân.
Mới đây, với 25/25 phiếu đồng ý, huyện Đô Lương đã được Ban Chỉ đạo các chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An đề nghị công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022.
Trong cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ ghi nhận những nỗ lực của huyện Đô Lương trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm qua.
Để giữ vững thành tích và phát huy kết quả đang có, huyện Đô Lương cần tiếp tục làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định Trung ương về xây dựng nông thôn mới để Văn phòng nông thôn mới Trung ương đề nghị Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới một cách sớm nhất; tiếp tục nâng cao các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập của người dân, xây dựng cảnh quan xanh, sạch đẹp, môi trường...
Đồng thời, huyện cần tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung và cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp, thủy sản phát triển toàn diện. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực hàng hóa theo vùng quy hoạch theo đề án phát triển sản xuất của huyện, xã đảm bảo liên kết vùng, liên vùng gắn với việc triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Nhật Minh