Giữa tháng 9 vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Bình tổ chức cuộc họp thẩm định các tiêu chí công nhận huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, đến tháng 8/2023, huyện đã có 12/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 66,67% (vượt gần 17% so với quy định).
Vào “chặng cuối” về đích nông thôn mới nâng cao
Đáng chú ý, 100% xã (18/18 xã) đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện đều thực hiện công tác rà soát đảm bảo các quy định mức chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt từ 95% trở lên.
Huyện cũng đã triển khai đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, kết quả tự đánh giá đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, Yên Khánh không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nông thôn mới huyện Yên Khánh đang ngày càng "thay da, đổi thịt". |
Thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp diện mạo kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Yên Khánh thay đổi rõ rệt. Cảnh quan môi trường được cải tạo, chỉnh trang sáng, xanh sạch đẹp. Mạng lưới giao thông được đầu tư nâng cấp, được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung.
Trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy là 98,37%, thu hút và tạo việc làm cho hơn 21.000 lao động trong và ngoài huyện.
Sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Khánh cũng có bước phát triển tích cực. Đến nay, Yên Khánh đã hình thành 19 vùng sản xuất tập trung, trong đó có 17 vùng lúa, 1 vùng cây dược liệu, 1 vùng rau củ quả. Toàn huyện có 21 mã số vùng trồng do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp.
Điểm tựa từ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp
Tại buổi thẩm định vừa qua, ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đánh giá: “Thành công trong nông thôn mới huyện Yên Khánh được tổng hòa từ nhiều yếu tố, trong đó quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả là một điểm nhấn”.
Thực tế cũng cho thấy thành công của lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố nền tảng để huyện Yên Khánh “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế và tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, khu vực kinh tế hợp tác, HTX khẳng định dấu ấn đậm nét.
Cụ thể, trong thời gian qua, với điều kiện đất đai màu mỡ, các HTX dược liệu trên địa bàn huyện Yên Khánh đã phát huy tốt thế mạnh về trồng cây dược liệu, tạo nên các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định, mang hiệu quả kinh tế cho các thành viên, nông dân liên kết.
Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Yên Khánh. |
Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất cây dược liệu, Yên Khánh hiện có 3 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Quá trình hoạt động và canh tác, các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm.
Đến nay, một số HTX đã có mã số vùng trồng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Nổi bật có thể kể đến HTX Nấm và Dược liệu Khánh Công, xã Khánh Công hiện có diện tích canh tác gần 15ha. Sau nhiều năm chuyển đổi canh tác và đưa các loại cây dược liệu vào sản xuất, đến nay, mô hình của HTX đã cho thấy sự thích nghi và hiệu quả rõ rệt trên đồng đất địa phương.
Với sự đồng hành của HTX và chính quyền ban ngành xã và huyện, toàn bộ khu canh tác cây dược liệu ở Khánh Công đã được đầu tư hệ đường giao thông nội đồng kiên cố, hệ thống máy bơm, kênh mương đảm bảo công tác tưới tiêu. Điều kiện canh tác thuận lợi, giá trị cây trồng cũng được nâng lên.
“Chỉ tính riêng 1 sào trạch tả cho thu nhập từ 4-5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với cấy lúa. Hàng năm, ngoài vụ đông trồng cây trạch tả, chúng tôi còn tiến hành sản xuất 2 vụ lúa”, chị Xuân, một nông dân liên kết của HTX Nấm và Dược liệu Khánh Công phấn khởi nói.
Giữ mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân
Để phát huy vai trò của các HTX trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Yên Khánh dự kiến tiếp tục hỗ trợ các nguồn lực để các HTX mở rộng quy mô, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Bên cạnh phát triển HTX, huyện Yên Khánh cũng đang đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo lãnh đạo UBND huyện, chương trình OCOP được triển khai thực góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo cơ hội để nông dân làm ra những sản phẩm có thương hiệu, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững.
Điển hình, nhiều năm qua, nấm đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân xã Khánh Vân có thu nhập ổn định. Thực hiện chương trình OCOP, huyện Yên Khánh chọn nấm linh chi để xây dựng thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2020, sản phẩm này được công nhận đạt hạng 3 sao OCOP, tạo động lực để người dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Với 20 năm gắn bó với nghề trồng nấm, ông Nguyễn Tư Bản, xã Khánh Vân luôn áp dụng quy trình sản xuất sạch, do vậy sản phẩm của gia đình luôn có đầu ra ổn định. Nhờ thuận lợi cả về sản xuất và tiêu thụ, bình quân mỗi năm, gia đình ông Bản thu về trên dưới 100 triệu đồng.
Hay như HTX chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu An Thịnh Phát thành lập từ năm 2020, chuyên sản xuất dầu ăn mang nhãn hiệu Tràng An, góp phần giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có thêm sản phẩm mới, tạo điểm tựa cho các hộ trồng đỗ tương/đậu nành tại nhiều địa phương. Đặc biệt là khi HTX đang phấn đấu xây dựng sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 4 sao của tỉnh.
Dựa trên những thực tế đang diễn ra, lãnh đạo UBND huyện Yên Khánh khẳng định phát triển các sản phẩm OCOP đã thúc đẩy kinh tế nông thôn theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu của huyện.
Mỹ Chí