Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiến tới hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo.
HTX tạo sinh kế bền vững cho người dân
Ở Bắc Kạn, nói đến HTX ít ai không biết HTX Tài Hoan ở huyện Na Rì, đây là một trong những HTX tiêu biểu trong tỉnh trong việc góp phần phát triển KTTT, HTX, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn và đóng góp vào việc xây dựng phong trào NTM ở địa phương và tỉnh.
Sản phẩm của HTX Tài Hoan đang góp phần đưa sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đi nhiều thị trường trong và ngoài nước. |
Chị Nguyễn Thị Hoan - Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, vào cuối năm 2020, được sự hỗ trợ về vốn của Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) và vốn đầu tư của tỉnh, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng hơn 5.000 m2 để hoàn thiện dây chuyền tráng miến. Ngoài ra, HTX đầu tư xây dựng nhà màng phơi miến, nhà sấy miến cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại khác. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng mới, HTX tập trung sản xuất theo phương pháp hiện đại thay thế cho phương pháp truyền thống.
Để phát triển thương hiệu cho sản phẩm, ngoài việc chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, HTX cũng thường xuyên quan tâm cải thiện mẫu mã, bao bì và cách đóng gói sản phẩm. Hiện tại, HTX có 2 sản phẩm là miến sợi to và sợi nhỏ, đóng gói 250 gam, 500 gam và 1 kg; sắp tới, HTX sẽ cho ra đời gói 400 gam cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.Hiện nay, HTX tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu hơn 70ha cây dong riềng đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nên đã tạo việc làm cho gần 500 hộ dân liên kết.
Một HTX tiêu biểu khác trên địa bàn tỉnh là HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương (Ba Bể). Đây là một trong những mô hình tiêu biểu đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản OCOP của địa phương. Hiện nay HTX có 04 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao và 02 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Các sản phẩm của HTX chủ yếu là đặc sản truyền thống của địa phương như: Lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, trà bí thơm Ba Bể, trà giảo cổ lam... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Chị Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết: Ban đầu HTX gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các sản phẩm tiếp cận thị trường do số lượng hạn chế, sản xuất thủ công, thiếu phương tiện vận chuyển, chưa biết cách quảng bá sản phẩm, chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng nên số lượng sản phẩm bán ra còn hạn chế. Xác định tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm là việc làm cần thiết, vì vậy các thành viên HTX đã họp bàn, thống nhất, lựa chọn ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng trang cá nhân, website, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bán buôn, bán lẻ.
HTX song hành cùng chính quyền xây dựng NTM
Ngoài hai HTX kể trên, ở Bắc Kạn còn rất nhiều mô hình tiêu biểu cho câu chuyện xây dựng NTM thành công. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, huyện, xã… lãnh đạo các địa phương luôn quan tâm, phát triển, tạo điều kiện để KTTT phát huy vai trò của mình. Như ở xã Mỹ Phương (Ba Bể), năm 2022 xã đã đăng ký về đích nông thôn mới. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay chính quyền địa phương đang tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây chè ở xã Mỹ Phương (Ba Bể) đang góp sức cùng các HTX, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần vào xây dựng thành công NTM trên địa bàn. |
Trong đó, xã đặc biệt chú trọng phát triển hình thức tổ chức sản xuất, khu vực kinh tế tập thể nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành lập được 03 hợp tác xã gồm: HTX chè Mỹ Phương, HTX Tạ Anh, HTX Hoa Sơn và 04 tổ hợp tác gồm: Tổ sản xuất tinh dầu hồi, Tổ hợp tác bí xanh thơm, Tổ hợp tác trồng rau bồ khai, Tổ hợp tác sản xuất ván bóc. Trong đó HTX chè Mỹ Phương hiện nay hoạt động hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm chè hàng hóa.
Ông Bàn Văn Phóng- Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Bắc Kạn cho biết: Kinh tế tập thể đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, năm 2021 số HTX được thành lập mới là 83. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 300 HTX, tổng số lao động trong HTX là 1.605 người, tổng vốn điều lệ là 333 tỷ đồng.Trong đó, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là hơn 200 HTX, chiếm 70% số HTX hiện có. Doanh thu các HTX ước đạt 120,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 14 tỷ đồng. HTX đang là nòng cốt trong việc thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh, đưa sản phẩm nông nghiệp lên một tầm cao mới.
Phải khẳng định, kinh tế tập thể đã giúp cho phong trào NTM của tỉnh Bắc Kạn thêm sôi nổi và giúp kinh tế địa phương phát triển bền vững. Bên cạnh đó, kinh tế tập thể đã góp phần cho hàng ngàn lao động tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Góp phần hướng tới mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có 02 đơn vị cấp huyện (Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn) đạt chuẩn NTM; có ít nhất 63% tổng số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; có trên 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn không nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 đạt chuẩn NTM…
Đức Anh