Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tỉnh Tuyên Quang đã cấp 7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các mô hình kinh tế.
Sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân, đô thị, Tỉnh đoàn cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định thanh niên có nhu cầu để giải quyết cho vay vốn kịp thời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích để nâng cao hiệu quả vốn vay.
Mô hình nuôi cá đặc sản của HTX Thanh niên Thượng Lâm (Ảnh: Tư liệu) |
Đến nay, tổng dư nợ cho vay Chương trình khởi nghiệp của đoàn thanh niên từ nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 5,5 tỷ đồng với 115 dự án được triển khai. Trong năm nay tiếp tục triển khai xây dựng 30 mô hình kinh tế từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng.
Sử dụng nguồn vốn hiệu quả, 7 thanh niên ở Thượng Lâm đã chung sức, chung lòng thành lập HTX Thanh niên Thượng Lâm, khởi nghiệp đa ngành nghề với các dịch vụ như: Thu mua nông sản cho nông dân địa phương, chăn nuôi cá bỗng và phát triển dịch vụ homestay.
Từ 405 triệu đồng được vay để thu mua nông sản của nông dân địa phương, trồng rau, nuôi trồng và chế biến thủy sản, kinh doanh dịch vụ homestay, đến nay doanh thu của HTX đã đạt trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Hiện, HTX đã mở rộng hơn 20 thành viên cùng góp vốn, góp sức làm du lịch địa phương. Anh Chẩu Thanh Ngà - một trong 7 sáng lập viên của HTX cho biết: “Chúng tôi muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp rằng chúng ta có thể tự tạo công ăn việc làm ngay tại quê hương mình bằng những gì chúng ta đang có”.
Yếu tố tạo nên thành công
Cũng là một thanh niên trẻ được vay 200 triệu đồng theo Chương trình thanh niên khởi nghiệp, anh Vũ Đức Anh (thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương) đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá và nuôi ngan, vịt. Hiện, tổng đàn ngan, vịt của anh có hơn 2.000 con, trong đó có trên 1.000 con sinh sản.
Ngoài ra, anh đầu tư 2 máy ấp trứng trị giá 50 triệu đồng để sản xuất con giống phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Trung bình mỗi tháng, trang trại chăn nuôi vịt, ngan giống của Vũ Đức Anh cung cấp cho thị trường trên 6.000 con giống các loại.
Lò ấp trứng của gia đình anh Vũ Đức Anh ở thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương (Ảnh: TL) |
Không chỉ cung cấp con giống cho người dân trong khu vực, anh còn cung cấp cho người chăn nuôi các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Mỗi năm trừ chi phí, anh thu lãi trên 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế cho thấy, vốn và kiến thức là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công cho các mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Năm 2015, anh Nguyễn Gia Nguyện (thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa) đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp nhưng không phát huy được hiệu quả do thiếu vốn cộng với kiến thức chăn nuôi còn hạn chế.
Sau khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đã đầu tư xây dựng lại chuồng trại và đi tham quan học tập mô hình nuôi chim bồ câu tại Phú Thọ, Yên Bái. Sau khi đã có kinh nghiệm, anh đã đầu tư mua 300 đôi chim bồ câu về nuôi.
Hiện nay, bình quân mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường trên 2.000 đôi chim thương phẩm và 1.000 đôi chim giống. Mỗi năm, thu nhập từ trang trại chăn nuôi chim bồ câu của anh đạt trên 300 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Chính nhờ nguồn vốn vay kịp thời từ đã giúp nhiều thanh niên có điều kiện để khởi nghiệp, liên kết thành lập HTX, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tiến Minh