Huyện Tân Sơn vốn thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, 6/17 xã và 99/195 khu dân cư đặc biệt khó khăn, dân số 81.700 người (20.772 hộ), trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 82,3%, chủ yếu là các dân tộc Mường, Dao, Mông.
Thoát nghèo nhờ vay vốn
Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay tại huyện Tân Sơn đạt hơn 304 tỷ đồng với 9.102 lượt khách hàng vay. Nhờ đó, 2.000 hộ dân thoát nghèo, xóa được trên 240 căn nhà tạm, giúp trên 300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, gần 1.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, trên 500 lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số được vay vốn đi xuất khẩu lao động...
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Tân Sơn nhờ đó cũng giảm từ 26,38% năm 2016 xuống còn 17,6% năm 2018, góp phần đưa Tân Sơn thoát ra khỏi 61 huyện nghèo cả nước.
Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo (Ảnh: Internet) |
Là một hộ dân tiêu biểu thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín dụng, ông Hà Xao Xuyến, dân tộc Mường (thôn Nhội, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn) trước đây đói nhiều no ít. Hai vợ chồng ông và 5 đứa con chỉ có 7 sào ruộng, lại ở vùng đất thường xuyên đối mặt với mưa lũ, nên dù chăm chỉ cấy hái, một năm cũng chỉ đủ ăn 9 tháng, 3 tháng còn lại no đói thất thường.
Sau khi được địa phương thuyết phục, nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông mua cặp trâu sinh sản. 5 năm sau, ông bán bớt trâu trả nợ ngân hàng, thậm chí còn xây được cho vợ con mình căn nhà nhỏ, kiên cố để che mưa nắng, bước ra khỏi cái nghèo.
Năm 2015, ông vay thêm 30 triệu đồng vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn nuôi thêm trâu, trồng gần 1 ha chè. Mới đây, ông đầu tư 30 hộp ong nuôi và đã thu lần đầu được 40 lít mật. Cùng với đó là gần 1 ha chè đã đưa vào khai thác với sản lượng khoảng 8 tấn/năm... Nay, gia đình ông đã không còn lo cái đói, cái nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá để mọi người noi theo, học tập.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ
Đáng chú ý, vợ chồng chị Phạm Thị Hạnh và anh Hà Văn Thắm (xã Long Cốc, huyện Tân Sơn) còn phát triển mô hình HTX Sản xuất chè an toàn xã Long Cốc với sản phẩm chè nổi tiếng cũng chính từ những đồng vốn chính sách. Chị Phạm Thị Hạnh, Giám đốc HTX cho biết từ số tiền vay chương trình hộ nghèo ban đầu 3 triệu đồng, rồi 5 triệu đồng, gia đình chị đã mở rộng chăn nuôi lợn, trâu, sau đó cho 2 con đi học cao đẳng.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn hộ dân ở Tân Sơn thoát nghèo (Ảnh: Internet) |
Năm 2012, được vay vốn hộ nghèo, chị Hạnh đầu tư vườn chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo chuyển biến rõ nét trong đời sống kinh tế của gia đình chị. Chỉ 3 năm sau, 2,5ha chè đã chính thức được khai thác. Với kinh nghiệm sao sấy chè, chị đã mạnh dạn cùng chị em trong thôn thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2019, để đăng ký thương hiệu chè sạch Long Cốc, chị Hạnh đã chuyển đổi mô hình lên HTX; đồng thời vay 50 triệu đồng nâng cao công suất và chất lượng sao chế với việc mua máy quay, cối và bếp hút. Hiện, HTX đang bao tiêu sản phẩm cho 24/40ha chè của 12 thành viên, tạo ra việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương 4 - 5 triệu đồng. Sản phẩm chè của HTX có giá trị cao từ 250 nghìn đồng đến 1,8 triệu đồng/kg; không chỉ nổi tiếng trong tỉnh Phú Thọ mà còn có mặt trong hệ thống siêu thị Phú Cường, Vinmart.
Tác động lan tỏa của HTX còn xa hơn nữa khi chị Hạnh cùng các thành viên trồng chè hữu cơ và đặt kế hoạch kết nạp thêm 40 hộ viên, nâng diện tích chè lên 80ha, HTX cũng đang hoàn thành dự án nhà máy chè có chất lượng cao trong nước và xuất khẩu sang Nga.
Gia đình ông Xuyến, chị Hạnh chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ dân thoát nghèo nhờ được thụ hưởng nguồn vốn từ các chương trình, chính sách. Đánh giá việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội cho biết vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Hoàng Lê