Với diện tích đất rừng gần 57.000 ha (chiếm 93% diện tích tự nhiên), huyện Ba Chẽ có thế mạnh lớn về phát triển cây dược liệu, được định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.
Cây "vàng" trên đất cằn
Trước đây, cây keo được coi là cây giảm nghèo ở các địa phương vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên, với tình trạng trồng cây keo ồ ạt, nông dân sẽ chậm thu hồi vốn, và lợi nhuận không cao trên cùng diện tích đất so với trồng cây dược liệu.
Bởi vậy, khi được tuyên truyền, vận động chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng.
Công nhân HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ đang đóng gói sản phẩm. |
Với mong muốn quảng bá thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ tới đông đảo người tiêu dùng, tạo thêm thu nhập và khuyến khích bà con vùng cao huyện Ba Chẽ bảo tồn và phát triển giống cây trà hoa vàng Ba Chẽ, HTX dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ đã được thành lập vào tháng 8/2020.
Trà hoa vàng là loài cây cả hoa và lá đều có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người, thế nhưng để tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng không dễ, vì giá thành đắt, nên trà cần phải vươn tới các thị trường lớn và xa, nếu không có biện pháp bảo quản trà sẽ hỏng khi chưa kịp bán. Mặt khác, những người trồng trà đa phần là nông dân sống ở các xã vùng cao, vùng sâu xa, khả năng tiếp thị lẫn xây dựng các mối quan hệ để phát triển bạn hàng còn kém. Nếu không có “bà đỡ” tiêu thụ, chắc chắn một ngày nào đó họ lại bỏ cây trà vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Tuy nhiên, từ ngày có HTX dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ, người nông dân không lo đầu ra cho sản phẩm. Theo Giám đốc Nguyễn Thành Trọng, từ khi HTX đứng ra thu mua ổn định, tư tưởng của người trồng trà hoa vàng Ba Chẽ đã thay đổi hẳn, từ chỗ trồng trà nhiều không biết có bán được không, đến chỗ hăng hái tăng thêm diện tích trồng.
Để thu mua được hoa trà tươi đảm bảo chất lượng, HTX khuyến khích bà con bán sản phẩm thu hoạch ngay trong ngày. Sau đó, HTX ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa hiện đại trong sản xuất giúp giữ nguyên hình dạng, màu sắc, hương vị, hoạt chất của hoa trà hoa vàng; công nghệ sấy lá tiên tiến đem đến sản phẩm lá sấy khô sạch, đẹp, giữ nguyên hoạt chất; công nghệ nghiền bột lá trà bằng cối đá Granit giúp giữ nguyên các hoạt chất của lá, tạo màu và độ mịn cao cho tinh bột.
HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ bước đầu cho ra mắt các sản phẩm từ trà hoa vàng như: Hoa, lá khô và những sản phẩm mới chưa có trên thị trường như bột matcha trà hoa vàng, bánh trà hoa vàng, nước uống từ trà hoa vàng.
Các sản phẩm của HTX Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ đã và đang có mặt rộng khắp trên thị trường trong và ngoài nước, được khách hàng đánh giá cao về uy tín cũng như chất lượng.
Thu nhập ổn định từ trồng cây dược liệu
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 200 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông. Đến nay đã có khoảng 100 ha cho thu hoạch. Sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20 tấn/năm; lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 20 tỷ đồng.
Trà hoa vàng đã trở thành cây “đổi đời” của người dân Ba Chẽ với khoảng từ 13-15 triệu đồng/kg hoa sấy khô, hoa tươi thu mua với giá trung bình 600.000 đồng/kg, lá tươi có giá 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000-500.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Quý - thành viên HTX cho biết, trước đây, gia đình ông chuyên trồng cây quế, cây sa mộc và keo nhưng thu nhập không ổn định, từ khi chuyển đổi sang trồng trà hoa vàng cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.
Hiện, gia đình ông Quý trồng gần 600 gốc trà hoa vàng và mới thu hoạch được 3 năm gần đây, nếu bán giá sỉ mỗi cây cao từ 15- 20cm có giá khoảng 20 nghìn đồng, sau 1 năm sẽ cho ra hoa. Bình quân 1 cây trà cho thu từ 1-2 kg hoa tươi/năm, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây năm.
“Do số lượng cây không có nhiều nên mỗi năm cũng cho thu nhập được khoảng 400 triệu đồng. Năm nay, tôi sẽ chiết cành để trồng thêm. Chúng tôi mong muốn giá bán và đầu ra ổn định”, ông Quý nói.
Đại diện UBND huyện Ba Chẽ cho biết, với giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng cùng với sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã trồng tập trung giống cây này. Sau hơn 10 năm được phát triển, trà hoa vàng đã mang lại đời sống kinh tế ổn định cho các hộ dân tham gia trồng. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 17,5 triệu đồng thì đến năm 2022 đã đạt 55 triệu, tăng trên 37 triệu đồng.
Hoàng Hà