Xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm. Nơi đây cũng là vùng đất truyền thống của Nông trường dược liệu từ những năm 70, 80 thế kỷ trước. Sau một thời gian dài loay hoay với cây lương thực, vài năm trở lại đây, huyện Sìn Hồ đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp như: đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa...
Từ chỗ thiếu ăn đến sắm được xe máy, tủ lạnh
Gia đình chị Sùng Thị Cúc, dân tộc Mông, ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu từng là hộ nghèo nhất bản. Chỉ cách đây vài năm, cuộc sống của gần 10 nhân khẩu trong gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào mấy mảnh nương lúa một vụ. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau kéo dài nhiều năm, nên gia đình thường xuyên phải nhờ vào nguồn gạo cứu đói mùa giáp hạt của Nhà nước.
Đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha dược liệu các loại. |
Chị Sùng Thị Cúc tâm sự, do không có thu nhập nên chồng chị phải đi làm công nhân công ty ở tận Bắc Ninh. Ở nhà, còn chị và đứa con gái đầu là lao động chính, nhưng đất ít quá nên trồng lúa, ngô cũng chỉ đủ ăn. Khi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, chị đã trồng được hơn 1.000m2 cây đương quy và atiso trên mảnh nương gần nhà. Dược liệu cho thu hoạch, được tiểu thương đến tận đồi thu mua và hai mẹ con cũng đi làm thuê cho công ty dược liệu trên địa bàn, nên giờ đã thoát được nghèo.
“Giờ gia đình tôi có 9 khẩu, trước kia, tôi ở nhà trồng ngô, trồng lúa mà không đủ ăn và không có thu nhập. Nay vườn cây dược liệu của gia đình cũng cho thu nhập, hai mẹ con đi làm cho công ty nữa nên cũng có lương hàng ngày. Từ khoản tiền tích cóp của chồng và thu nhập của hai mẹ con, vừa qua, gia đình tôi cũng sửa được nhà và mua một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình như xe máy, tủ lạnh…”, chị Sùng Thị Cúc phấn khởi.
Đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha dược liệu các loại. Riêng từ năm 2020 đến nay, huyện trồng mới hơn 120ha, chủ yếu là các loại cây như atisô, đương quy, với kinh phí hỗ trợ của huyện lên tới hơn 2,1 tỷ đồng. Huyện cũng đã hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.
Qua đề án về "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", huyện Sìn Hồ đã tập trung hỗ trợ khôi phục một số vùng dược liệu. Đến nay, địa phương đã xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương. Mục tiêu đến năm 2030 toàn huyện có khoảng 1.000 ha cây dược liệu các loại.
Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, địa phương đã và đang khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu. Ngoài ra, huyện còn có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các HTX, doanh nghiệp tham gia phát triển cây dược liệu quy mô lớn. Từ các sản phẩm dược liệu, huyện đã có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh và từng bước khẳng định ưu thế, hiệu quả kinh tế.
Đơn cử, HTX Mý Dao ở khu 1, thị trấn Sìn Hồ (Lai Châu) được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm tại địa phương. HTX Mý Dao ra đời nhằm khôi phục lại nghề thuốc truyền thống của đồng bào Dao ở vùng cao Sìn Hồ qua các dòng sản phẩm như: Thuốc tăm, hoa quả, dược liệu khô, dược liệu chế biến sâu... Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập.
Tham gia HTX để phát triển bền vững
Theo ông Giàng Xuấn Cường, Giám đốc HTX Mý Dao, để trồng dược liệu hữu cơ thành công, tất cả các khâu trong quá trình sản xuất đều phải được kiểm soát nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất hữu cơ. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi. Bên cạnh đó, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy dược liệu với công suất 5 tấn/mẻ để cung cấp các sản phẩm dạng sấy khô. Từ chỗ chỉ lo chạy ăn từng bữa, hiện các thành viên của HTX đã có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.
Cây dược liệu giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ đổi thay. |
Chị Tẩn Mí Dao, Thành viên HTX Mí Dao cho biết: "HTX ra đời nhằm khôi phục lại nghề thuốc truyền thống của dân tộc Dao ở vùng cao Sìn Hồ, qua các dòng sản phẩm như: thuốc tắm, hoa quả, dược liệu khô, dược liệu chế biến sâu... Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có việc làm, tăng thêm thu nhập. Trước xu thế khách hàng cần sản phẩm sạch, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đơn vị đã tham gia chương trình OCOP để được chứng nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng, từ đó giúp khách hàng yên tâm khi mua và sử dụng sản phẩm".
Để hỗ trợ phát triển dược liệu, ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho hay huyện đã có cơ chế về đất đai, cơ chế đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Từ các chính sách đó trong Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hỗ trợ giống và cũng hỗ trợ một phần đầu tư hạ tầng. Từ những chính sách hỗ trợ này, huyện sẽ gắn bó thường xuyên và tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ cho các HTX, DN vào triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn huyện.
Mục tiêu của huyện Sìn Hồ thời gian tới là tiếp tục phát triển diện tích các loại cây dược liệu hiện có; trồng cải tạo, bổ sung, thay thế diện tích cây dược liệu đã khai thác; tích cực thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân để bảo tồn, phát triển một số loại dược liệu quý như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa.
Với các chính sách thu hút ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX, doanh nghiệp và người dân, cây dược liệu đang là cây chủ lực giúp người dân trên địa bàn huyện Sìn Hồ giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Dương Linh