Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, dịch Covid-19 gây không ít khó khăn nhưng đối với ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng. Điều này một phần là nhờ vào việc các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản trên địa bàn thông qua HTX, từ đó giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Trái ngọt từ mối liên kết HTX-doanh nghiệp
Trong khu vực Kinh tế tập thể ở Phú Thọ, ít ai không biết đến câu chuyện HTX Nông nghiệp Thượng Nông (huyện Tam Nông) đang liên kết với Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hưng Yên thực hiện dự án trồng 25ha chuối Tây Thái Lan cho hiệu quả cao. Ngoài ra, HTX chủ động liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương tổ chức sản xuất 60ha lúa giống và hằng năm bao tiêu 120 - 125 tấn giống lúa chất lượng cao. HTX cũng liên kết với Công ty TNHH chế biến nông sản Vĩnh Phúc mở ra các mô hình trồng đu đủ, ớt… tăng thu nhập cho các hội viên cao gấp 3 - 4 lần so với lúa.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Nông cho biết, chỉ tính riêng mô hình trồng chuối Tây Thái Lan, sau khi trừ hết chi phí, HTX có lãi 5 triệu đồng/sào, các năm tiếp theo lãi tăng 7 triệu đồng/sào.
Hay tại HTX mỳ gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì), nhờ thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh như: Công ty Golden scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, siêu thị Vinmart, Big C, đầu ra cho sản phẩm mỳ gạo của HTX vẫn rộng mở. Hiện, trung bình mỗi tháng HTX tiêu thụ khoảng 40-50 tấn sản phẩm với mẫu mã bắt mắt, chất lượng được bảo đảm.
Mô hình liên kết trồng chuối của HTX Thượng Nông với doanh nghiệp được đánh giá là một trong những chuỗi giá trị bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. |
Cũng đề cao mối liên kết với doanh nghiệp, HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen (huyện Cẩm Khê) đã nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, làm nền tảng ký hợp đồng tiêu thụ lớn với công ty, doanh nghiệp có uy tín như công ty xuất nhập khẩu Á châu, công ty chè Thế hệ mới và 1 số công ty chè ở Thái Nguyên. Nhờ mối liên kết này mà mỗi năm, HTX tiêu thụ gần 400 tấn chè vừa ở trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu.
Có thể thấy, mối liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp giúp mang lại lợi ích cho ba bên đó là người dân, HTX và doanh nghiệp. Việc này giúp mở rộng quy mô sản xuất, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các THT, HTX cũng từ đó có thể dễ dàng phát triển các dịch vụ gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực quốc gia, của tỉnh và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Thống kê cho thấy, tỉnh Phú Thọ đã hình thành 22 chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn. Trong đó, có 33 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo hợp đồng dài hạn để tiêu thụ sản phẩm, từ đó khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đặc biệt, với sự đề cao lợi ích của thành viên, các HTX, doanh nghiệp sau khi liên kết đều thể hiện được vai trò đầu tàu trong việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ thành viên và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng để định hướng phát triển HTX trên địa bàn tỉnh.
Liên kết đi vào chiều sâu
Theo Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Phú Thọ có 618 HTX, 1.236 THT trong đó thành lập mới 68 HTX, ngoài ra còn có 1 liên hiệp HTX hoạt động với 7 HTX thành viên.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến các chuỗi sản xuất và cung ứng, các HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ cho thành viên, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bán hàng bằng phương thức truyền thống kết hợp hiện đại nên sản xuất kinh doanh vẫn mang lại hiệu quả.
Các HTX tiếp tục là cầu nối giữa thành viên với cấp uỷ, chính quyền địa phương, tích cực tham gia chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác và phát huy các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tiếp tục khẳng định uy tín, củng cố thương hiệu.
Để liên kết giữa HTX và doanh nghiệp thực sự đi vào chiều sâu, rất cần sự hỗ trợ, điều phối của các cơ quan quản lý thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát và bảo đảm tính pháp lý cho việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. Bởi thực tế, đã có nhiều mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp bị đứt gánh giữa đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất nông nghiệp còn chưa hiệu quả, khó hình thành vùng chuyên canh, thậm chí phá vỡ quy hoạch.
Bên cạnh đó, khi mối liên kết HTX-doanh nghiệp được hình thành, nhu cầu mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, máy móc sẽ lớn hơn nhằm hình thành những cánh đồng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của của thị trường.
Trước thực trạng này, trong buổi khảo sát một số mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mới đây, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trong những năm qua KTTT, HTX tại tỉnh Phú Thọ luôn có bước phát triển mạnh mẽ góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương tạo an sinh xã hội thúc đẩy xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Để khu vực KTT, HTX của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng chuỗi giá trị bền vững, thu hút được doanh nghiệp liên kết, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tạo cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, chính sách để giúp các HTX mở rộng quy mô sản xuất.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng lưu ý, các HTX cần thành lập câu lạc bộ, phát triển du lịch cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển và tận dụng những lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, các HTX cũng cần tiếp tục đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, tạo quỹ đất lớn liền vùng, liền thửa thuận lợi cho việc canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất…
Huyền Trang