Ông Thạch Mươi, người dân tộc Khmer, là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (cấp xã) ở ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân (huyện Duyên Hải). Ông cho biết, gia đình có 0,1ha đất chuyên trồng màu, nhờ có liên kết trong sản xuất với HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, nên thu nhập từ trồng màu mang lại khá cao.
HTX giúp "mua tận rẫy, bán tận nơi"
Theo ông Mươi, với chu kỳ sản xuất khoảng 4 vụ màu/năm (trồng luân phiên các loại cây: hành, khổ qua, dưa leo…) cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/vụ. Các sản phẩm rau màu ở đây còn được HTX thu mua.
Nhờ HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc thực hiện "mua tận rẫy, bán tận nơi” nên người trồng rau màu ở Duyên Hải có thêm giá trị giá tăng luôn cao hơn so với bán cho các thương lái từ 20 - 25%. |
Cũng như ông Mươi, để có thu nhập ổn định trong trồng màu, các nông dân trong xã Đôn Xuân tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp hay HTX. Thông qua đó, người sản xuất sẽ tham gia liên kết hoặc sản xuất theo yêu cầu của từng mùa vụ với các đầu mối thu mua nông sản.
Ông Lâm Thành Cảnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc (xã Ngũ Lạc) cho biết: Hồi năm 2022, HTX đã thu mua nông sản (màu các loại) của nông dân trên địa bàn xã đạt khoảng 4 tấn/ngày. Ngoài ra, HTX còn liên kết, thu mua ở các xã xung quanh.
Theo ông Cảnh, nhờ HTX thực hiện "mua tận rẫy, bán tận nơi” nên người trồng rau màu có thêm giá trị giá tăng luôn cao hơn so với bán cho các thương lái từ 20 - 25%. Riêng năm 2023, HTX có liên kết và mở rộng thêm sản phẩm đậu bắp xanh Nhật và bao tiêu với nông dân, ngoài các sản phẩm truyền thống như ớt, cà chua, hành…
HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc được thành lập từ cách đây 5 năm, có 56 thành viên tham gia hoạt động. Từ khi thành lập đến nay, trong điều kiện giá cả thị trường của mặt hàng nông sản luôn biến động, HTX luôn bảo đảm cho nông dân và thành viên HTX tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định.
Cùng với HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, tính đến nay, xã Ngũ Lạc có 3 HTX, với 176 thành viên; 29 tổ hợp tác, với 399 thành viên. Nhờ phát triển mạnh kinh tế hợp tác (nhất là vai trò của HTX trong việc hỗ trợ và liên kết với người trồng màu trên địa bàn xã để bao tiêu và định hướng trong liên kết với từng chủng loại màu cụ thể theo mùa vụ) đã giúp cho người dân địa phương (đồng bào Khmer chiếm trên 64% dân số toàn xã) từng bước phát triển theo hướng bền vững.
Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Ngũ Lạc đạt 54,82 triệu đồng/năm. Trước đây, đời sống người dân trong xã gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 36,5%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm đáng kể (hiện chỉ còn 219 hộ nghèo), hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,43%.
Tận dụng lợi thế nuôi trồng thủy sản
Các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập của người dân tăng đã góp phần giúp xã Ngũ Lạc được công nhận xã nông thôn mới từ cách đây 3 năm và đang đặt mục tiêu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Liên kết chặt chẽ chuỗi sản xuất, phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản giúp nông dân huyện Duyên Hải ngày càng thêm khấm khá. |
Xã Long Khánh (huyện Duyên Hải) cũng đang có chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hợp tác. Thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã này là nuôi trồng thủy sản, toàn xã có trên 4.234ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.683ha đất nuôi trồng thủy sản, hàng năm có khoảng 2.860 lượt hộ thả nuôi các loại thủy sản như tôm, cua, cá… với diện tích trên 2.460ha mặt nước.
Tận dụng lợi thế về nuôi trồng thủy sản trong xã Long Khánh phải kể đến HTX nông nghiệp Long Khánh ở ấp Cái Đôi với mô hình nuôi tôm công nghiệp. Ngoài ra, xã còn có 2 HTX nông nghiệp khác, với tổng cộng 80 thành viên và 27 tổ hợp tác với trên 340 thành viên
Địa phương này cũng tập trung phát triển nuôi các loài nhuyễn thể trên sông, bãi bồi ven sông được đầu tư mở rộng, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản ven biển góp phần tăng sản lượng thủy sản cho địa phương. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 của Long Khánh đạt gần 9.000 tấn.
Nhờ kinh tế hợp tác đi lên nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 ở xã Long Khánh đạt 64,89 triệu đồng/năm. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn xã chỉ còn 45/1.802 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,49% tổng số hộ dân toàn xã.
Ngoài ra, có thể kể đến xã Long Vĩnh cũng là điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện Duyên Hải. Long Vĩnh là xã vùng sâu, ven biển, có diện tích tự nhiên 9.637,2 ha. Tổng dân số chung toàn xã là 3.351 hộ với 14.067 nhân khẩu (trong đó có 993 hộ dân tộc Khmer, với 4.141 nhân khẩu, chiếm 29,4% dân số chung).
Cách đây 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Long Vĩnh đã giảm còn 2,26%. Kết quả giảm nghèo đã góp phần rất lớn để xã Long Vĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020.
Kéo giảm rõ rệt tỷ lệ hộ nghèo ở vùng ven biển
Để giúp các phụ nữ ở Long Vĩnh nâng cao thu nhập và giảm nghèo, cách đây 4 năm, HTX nông nghiệp Trọng Nhân được thành lập. Đây là HTX do nữ quản lý, có 70 thành viên là phụ nữ tham gia.
Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của HTX là nuôi dê sinh sản, dê vỗ béo; thu mua và cung ứng dê giống, dê thịt thương phẩm; cung ứng thức ăn gia súc, thuốc thú y…
Sự chuyển mình của kinh tế tập thể góp phần giúp huyện Duyên Hải ngày càng tươi đẹp. |
Trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Duyên Hải hiện nay phải kể thêm sự chung sức của Hội Nông dân huyện. Trong 5 năm qua, Hội đã phát huy được vai trò của hội viên và nông dân trong xây dựng kinh tế tập thể gắn với liên kết sản xuất và chung tay xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình, câu lạc bộ, chi hội nghề nghề nghiệp…
Tính đến nay, toàn huyện có 456 tổ hội nghề nghiệp với 8.404 thành viên, 9 chi hội nghề nghiệp với 299 thành viên tham gia ở các lĩnh vực trồng màu, chăn nuôi, nuôi thủy sản… Qua các tổ hội nghề nghiệp như vậy đã giúp cho 438 hộ hội viên thoát nghèo.
Ngoài ra, cần nhắc thêm, nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của huyện Duyên Hải với tổng diện tích nuôi khoảng 9.200ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản thuộc địa bàn 4 địa phương “vùng đảo” của huyện gồm: xã Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải và thị trấn Long Thành là hơn 8.000ha.
Đây là những địa phương có thế mạnh trong nuôi thủy sản và phong phú về hệ sinh thái rừng ngập mặn. Để nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững cho người dân, các địa phương chủ trương phát triển nuôi thủy sản theo hướng gắn với rừng ngập mặn và phục vụ phát triển du lịch sinh thái…
Từ sự chuyển mình của kinh tế tập thể, phát triển thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trồng cây rau màu… đã và đang góp phần quan trọng trọng vào công tác giảm nghèo ở vùng đất ven biển này. Theo đó, qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hồi năm 2022 cho thấy huyện Duyên Hải còn 453 hộ nghèo (chiếm 2,21% tổng số hộ); tỷ lệ số hộ cận nghèo chỉ còn chiếm 2,7%.
Không chỉ vậy, là một huyện mà đồng bào dân tộc Khmer chiếm 42,07% tổng số hộ, tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc ở Duyên Hải cũng được kéo giảm rõ rệt.
Thanh Loan