Công nghệ cao đang thúc đẩy sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế, ATLĐ cho người dân tại Kiến Tường (Ảnh tư liệu) |
Ấn tượng 3 xã điểm
Để hoàn thành mục tiêu tạo chuyển biến sâu trong sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao, thị xã Kiến Tường đã tập trung vào phát triển 3 xã điểm để từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các vùng sản xuất lân cận.
Dựa trên những nghiên cứu về thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ nhân lực của từng vùng, 3 xã điểm được thị xã lựa chọn lần lượt là Tuyên Thạnh, Thạnh Hưng, Bình Hiệp.
Sở hữu hơn 2,5 ha lúa sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, ông Hà Văn Nưa (xã Tuyên Thạnh) chia sẻ: “Với sự đồng hành của Nhà nước, tôi luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn như sử dụng giống lúa xác nhận, bón lót bằng phân hữu cơ, sử dụng nấm xanh trừ rầy, trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút côn trùng”.
Việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, giúp gia đình ông Nưa tiết kiệm chi phí, giảm thiểu lượng hóa chất độc hại, nâng cao sức khỏe, an toàn lao động (ATLĐ) cho từng thành viên.
Đặc biệt, sản xuất an toàn giúp ông được cơ quan chức năng tin tưởng hỗ trợ, đưa máy cấy áp dụng cách cấy thưa, so với việc sạ dày trước đây thì có nhiều ưu điểm hơn.
“Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận cao hơn 2 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất kiểu truyền thống. Sản xuất công nghệ cao đang thay đổi cuộc sống của người trồng lúa ở Kiến Tường, mang lại những lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ”, ông Hà Văn Nưa phấn khởi nói.
Tại xã điểm Thanh Hưng, HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng đang trở thành điểm sáng dẫn dắt người nông dân sản xuất theo hướng hiện đại, chú trọng ứng dụng máy móc vào sản xuất.
HTX hiện có 28 thành viên với vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng, sản xuất trên 350ha. Không chỉ thúc đẩy công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX đang là đầu tàu dẫn dắt thành viên phát triển sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao ATLĐ.
“Trong sản xuất, chúng tôi loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại. Các loại rau tuân thủ nguyên tắc “5 không”, “4 đúng” theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó đảm bảo ATLĐ, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất, đồng thời giúp năng suất, chất lượng lúa tăng 15 – 30%”, đại diện HTX Thạnh Hưng cho hay.
Sự đồng hành của HTX trong vai trò dẫn dắt nông dân sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn là đặc biệt quan trọng (Ảnh TL) |
Đẩy mạnh liên kết
Đồng hành với chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thị xã còn có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.Gần 3.400ha lúa trong vùng quy hoạch được hoàn chỉnh hệ thống giao thông.
33 công trình thủy lợi, đê bao lửng, gần 10 trạm bơm điện được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản của các HTX, hộ nông dân...
Theo thống kê, thị xã Kiến Tường đã ứng dụng 100% máy móc cho các khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc và thu hoạch.
Song song đó, việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được thị xã quan tâm thực hiện, nhiều hình thức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả được hình thành.
Đến nay thị xã đã thành lập được 6 tổ hợp tác và 5 HTX sản xuất nông nghiệp, bước đầu có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, UBND thị xã Kiến Tường đã phối hợp với tỉnh chọn 3 HTX gồm HTX nông nghiệp Thạnh Hưng, HTX nông nghiệp Đồng Đưng và HTX nông nghiệp Ông Nhan Đông tham gia dự án Vn SAT của thị xã, được hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị.
Thị xã cũng chọn HTX Thạnh Hưng làm mô hình HTX điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn HTX làm thủ tục cấp thương hiệu.
Rõ ràng, hiệu quả của các HTX cùng sự đồng hành của Nhà nước đang giúp chủ trương phát triển sản xuất lúa theo hướng công nghệ cao trên địa bàn thị xã Kiến Tường có những chuyển biến mạnh mẽ. Nếu tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, mô hình hứa hẹn tạo sức bật mạnh mẽ cho nông dân địa phương.
Hưng Nguyên