Ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc HTX Đông Nam dược Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, với mục đích hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loài cây bản địa dược liệu quý, HTX trồng 12.000 gốc hà thủ ô đỏ đang ở giai đoạn tạo củ. Mỗi gốc đến kỳ thu hoạch cho khoảng 10 kg củ. Sau thời gian ngắn, cây cho thu hoạch củ, bán với giá 180 nghìn đồng/kg, từ đó nhiều đồng bào đã vươn lên làm giàu từ cây bản địa quý hiếm
Gắn tiềm năng với thế mạnh của địa phương
Đến nay, các sản phẩm của HTX đã được in nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, được thị trường cả nước biết tới.
Nhiều nông dân, thành viên HTX vươn lên làm giàu nhờ phát triển trồng cây bản địa. |
Ngoài ra, HTX còn sản xuất một số sản phẩm dược liệu khác như: Ba kích, giảo cổ lam, nấm ngọc cẩu, đẳng sâm… Thu nhập từ hoạt động sản xuất, chế biến đảm bảo ổn định, bền vững cho nhiều thành viên HTX, giúp xóa đói, giảm nghèo, vì thực tế giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác.
Tới đây, HTX tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, gieo ươm nhân giống để bà con trong vùng cùng tham gia trồng, nhằm liên kết xây dựng vùng nguyên liệu.
“Việc trồng thành công hà thủ ô đỏ đã mở ra cơ hội cho người dân trong thôn tăng thu nhập, vì công dụng của cây hà thủ ô đỏ không những là vị thuốc chữa bệnh mà còn là loại cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Cư nói.
Ông Lò Văn Hiếu, thành viên HTX chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được nhận hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hà thủ ô đỏ. Gia đình đã trồng 40 gốc trên diện tích đất soi bãi. Qua thời gian ngắn chăm sóc theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, cây phát triển tốt, từ năm thứ tư trở đi đã cho thu hoạch củ, có thu nhập ổn định, gia đình tôi đã không còn là hộ nghèo của xã”.
Bắc Kạn là địa phương có nhiều cây bản địa đặc sản, cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Tỉnh có 2 sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chỉ dẫn địa lý là cam, quýt và hồng không hạt Bắc Kạn, có 2 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể là gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn và gạo bao thai Chợ Đồn.
Khuyến khích phát triển những cây đặc sản, bản địa, ông Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng thời, quan tâm giải quyết đầu ra cho sản phẩm và nhu cầu hỗ trợ về vốn để sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị.
Giải quyết được vấn đề này, chắc chắn phát triển kinh tế từ bảo tồn, trồng và chế biến sản phẩm từ cây bản địa sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân.
Phát triển theo hướng hàng hóa
Bản Bướt là bản vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc Thái, Mường và Dao. Hơn 90% sinh kế của dân bản phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông sản trước đây làm ra không có thị trường tiêu thụ.
Các HTX đã và đang mở rộng kênh phân phối, qua đó nâng cao giá trị nông sản, giúp xóa đói, giảm nghèo. |
Chị Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX Tân Xuân 269, chuyên về sản xuất măng nứa sấy khô chia sẻ, nhận thấy tiềm năng phát triển từ cây măng, chị nung nấu ý định mở một đầu mối thu mua, sơ chế măng, tạo đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu quý tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
"Tháng 3/2019, tôi bắt tay vào khởi nghiệp với HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269. Những ngày đầu mới thành lập, tôi loay hoay tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật sơ chế măng để có sản phẩm đẹp, chất lượng đưa ra thị trường", chị Tâm cho biết.
Sau khi tham gia vào các khóa tập huấn và một dự án do chính phủ Australia tài trợ tại tỉnh Sơn La, HTX đã được trang bị thêm các kỹ năng tài chính, quản lý, được đầu tư thêm xưởng sản xuất và lò sấy hiện đại.
Măng tươi sau khi được thu hái sẽ được rửa sạch bằng nước giếng khoan, đưa vào nồi luộc rồi được cắt miếng cho ra lạt phơi nắng. Những ngày không có nắng thì măng được cho vào lò sấy khoảng 6 giờ đồng hồ. Nếu trời nắng, HTX có thể giảm thời gian sấy và đem măng ra phơi giúp măng thơm ngon hơn, màu sắc cũng đẹp hơn. Năm 2021, HTX đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 35%, cao gấp 2,5-3 lần so với trước đây.
Từ những ngày đầu thành lập với 18 thành viên, đến nay, HTX đã có khoảng 80 thành viên. Sản phẩm làm ra của bà con không còn bị thương lái ép giá, có thu nhập ổn định, dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng.
“Với mong muốn đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào, HTX không chỉ tập trung vào sản phẩm chủ đạo là măng, mà còn trồng thêm những loại cây nông nghiệp khác là thế mạnh của địa phương như gạo nếp nương, cam, xoài, nhãn, gừng, sắn… theo tiêu chuẩn VietGAP để đa dạng thêm sản phẩm và thu nhập cho các thành viên”, chị Tâm chia sẻ.
Có thể khẳng định, việc phát triển nông sản bản địa không chỉ phát huy lợi thế, điều kiện sản xuất từng địa phương, hình thành vùng nguyên liệu, mà còn góp phần chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tập trung tuyên truyền để người dân, các HTX hiểu giá trị sản phẩm địa phương, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng kênh phân phối, qua đó nâng cao giá trị nông sản, giúp xóa đói, giảm nghèo.
Đoàn Huyền