Chẳng hạn như với giống dừa ta bản địa trái to ở Bến Tre, có cơm dừa là nguyên liệu chính để có thể chế biến ra nhiều sản phẩm phong phú. Vài năm nay, một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã phát triển rất tốt nhờ tập trung chuyên sâu vào khâu chế biến dừa bản địa.
Gia tăng chế biến
Ngay cả các DN mới gia nhập thị trường cũng chuyên tâm cho việc chế biến dừa bản địa với khuynh hướng ngày càng hiện đại hơn, nhất là “bắt trend (xu hướng)” hơn.
Điển hình như CTCP đầu tư dừa Bến Tre (Bienco) đã có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa, như: nước cốt dừa nguyên chất, nước cốt dừa đậm đặc, dầu dừa, creamer dừa, snack dừa.
Để có đầu ra ổn định, trái cây bản địa cần vai trò liên kết sản xuất của các doanh nghiệp chế biến. |
Trong đó, sản phẩm creamer béo đặc được cho là hoàn toàn có thể thay thế cho sữa động vật, vì đây là sản phẩm từ thực vật, thuần chay. Hoặc sản phẩm snack dừa, là một sản phẩm mới của DN ra mắt hồi đầu năm 2020.
Bà Võ Nguyệt Phương Hằng, phụ trách marketing của Bienco cho biết, đó là những sản phẩm được chế biến sâu, tạo ra giá trị lớn cho giống dừa bản địa của Bến Tre. Những sản phẩm này hiện đã và đang xuất khẩu đi nhiều nơi, bán trên nhiều trang thương mại điện tử trong nước và quốc tế, như: Tiki, Lazada, Shopee, Amazon.
Hay như ở Đồng Tháp có Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt - Đức do một Việt kiều Đức là ông Võ Phát Triển sáng lập cách đây 8 năm, giúp nâng giá trị cho một số trái cây bản địa trong tỉnh. Điển hình như sản phẩm xoài sấy dẻo do Công ty chế biến từ giống xoài bản địa là xoài Cát Chu mà Đồng Tháp có 9.400 ha chuyên canh, chiếm 85% diện tích trồng xoài của tỉnh.
Hiện nay, Công ty Việt - Đức đã nâng công suất chế biến trái cây của nhà máy lên gấp 10 lần so với giai đoạn đầu, mỗi năm sử dụng 10.000 tấn nguyên liệu cho 3 đơn hàng của Nga, Đức, Nhật. Giới chuyên gia nhìn nhận, việc khai thác, chế biến nguồn trái cây bản địa của DN rất hiệu quả, ngoài trái xoài còn có thanh long, khóm, chuối, mãng cầu, đu đủ, ớt.
Hồi năm ngoái, riêng mặt hàng xoài sấy dẻo, Công ty Việt - Đức nhận đặt hàng từ EU khoảng 500.000 - 600.000 Euro. Ông Triển cho biết, Công ty đã đầu tư 5 triệu Euro vào nhà máy chế biến để có công nghệ, thiết bị tối tân, sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22.000-2005, BRC, Eurofins.
Có thể thấy, việc nâng giá trị cho trái cây bản địa rất cần những DN chế biến như Bienco hay Công ty Việt - Đức, và cũng là biện pháp để không bị thu hẹp diện tích trồng trọt.
Cần liên kết sản xuất mạnh hơn
Đơn cử như giống xoài bản địa. Tại một hội thảo bàn về phát triển tài nguyên bản địa và đổi mới sáng tạo tổ chức ở Đồng Tháp mới đây, một chuyên gia của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao lưu ý tình trạng xoài cát Chu của Đồng Tháp và xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang có quãng thời gian bán không chạy và cũng không được đặt hàng trước như loại xoài Tứ Quý của Đài Loan.
“Nhiều nông dân đã chặt các loại xoài này để trồng xoài Đài Loan cho dễ bán. Vì sinh kế, canh tác tự phát, nên người nông dân mở rộng diện tích trồng xoài Đài Loan, trong khi xoài bản địa dần bị thu hẹp”, vị chuyên gia này cảnh báo.
Do đó, theo các chuyên gia, rất cần có các DN đứng ra liên kết sản xuất để giữ nguồn trái cây bản địa của từng địa phương, đưa ra nhiều sản phẩm mới từ cây bản địa, kết hợp với đổi mới sáng tạo để cuối cùng có những sản phẩm từ nguồn trái cây bản địa nhưng rất hiện đại trên thị trường quốc tế.
Thực tế cho thấy, việc tăng diện tích trồng các giống xoài ngoại lai có thể mang lại rủi ro cho những người nông dân đổ xô vào trồng. Như diện tích trồng xoài Đài Loan tại nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có giai đoạn liên tục tăng cao, gây nguy cơ thừa hàng rớt giá, có lúc chỉ còn 4.000 - 6.000 đồng/kg, thậm chí bán không ai mua nên nhiều nhà vườn vứt bỏ cho gà, vịt ăn khi trái chín.
Về thách thức lớn của trái cây bản địa ở ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng sản xuất trái cây ở ĐBSCL vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, còn thiếu liên kết sản xuất.
Sản xuất và lưu thông phân phối chưa theo chuỗi giá trị, mà bị cắt khúc, nên mặc dù nông dân bán ra với giá chưa cao, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá chót vót. Ví dụ như xoài cát Hòa Lộc loại 1, hay bưởi da xanh loại 1 từng có giá cao hơn trái cây Thái Lan nhập khẩu.
Điều này cho thấy nếu có chuỗi giá trị tốt hơn thì người tiêu dùng đã không phải trả giá cao như vậy, và đầu ra của trái cây bản địa cũng không phải chịu cảnh được mùa, mất giá.
Ông Châu cũng quả quyết những trái cây đặc sản bản địa như xoài cát Hòa Lộc và bưởi da xanh có trồng bao nhiêu ở ĐBSCL cũng không đủ xuất khẩu vì quá ngon so với giống cùng loại ở các nước trong khu vực.
Vấn đề quan trọng là để trái cây bản địa có hướng phát triển bền vững thì cần liên kết sản xuất mạnh hơn nữa, xây dựng những mô hình sản xuất theo hướng chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, gia tăng chế biến theo hướng hiện đại…
Thế Vinh