Ở một số cửa hàng rau quả nhập khẩu tại Tp.HCM hoặc trên các trang mạng xã hội, nếu chịu khó để ý sẽ thấy việc rao bán trái cây ngoại có mức giá cao, chênh lệch rất lớn so với trái cây nội địa. Chẳng hạn như quả Akebi, còn có tên gọi là "nho tím kỳ lạ" Nhật Bản, hình dáng như củ khoai lang nhưng bán đến 250.000 – 300.000 đồng/quả.
Không phải là rau quả nhập, nhưng gần đây, giá của trái cà chua thân gỗ (giống Tamarillo) trồng ở Đà Lạt được rao bán 500.000 đồng/kg nhưng vẫn hút khách.
Bức tranh tương phản
Sở dĩ loại trái cà này bán giá cao vì có mùi thơm đặc trưng, vị chua ngọt, có giá trị bổ dưỡng cao, diện tích trồng chưa nhiều (có lúc lên cơn sốt 1 triệu đồng/kg cách đây khoảng một năm, còn lúc hạ nhiệt khi vào vụ thu hoạch tầm 200.000 – 300.000 đồng/kg).
Nếu nhìn vào bảng giá hai loại trái đắt đỏ nêu trên sẽ thấy đó là niềm ước ao của bao nhiêu người làm nông nghiệp khi mà nông sản giá rẻ, "được mùa mất giá" luôn là điệp khúc ám ảnh.
Mới đây nhất là trường hợp trái thanh long chín rộ ùn ứ không tiêu thụ được, rớt giá còn 1.500 – 2.000 đồng/ kg tại hai xã Bông Trang và Bưng Riềng thuộc huyện Xuyên Mộc – vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hiện nay, huyện Xuyên Mộc có hàng trăm tấn thanh long đã đến thời kỳ chín rộ, thương lái trả giá chỉ 1.500 – 2.000 đồng/ kg thanh long ruột đỏ, còn hầu như các vườn thanh long ruột trắng không ai hỏi mua.
Hoặc ở Khánh Hòa, do lâu nay nghề trồng tỏi mang lại thu nhập khá cho người dân khiến diện tích trồng tỏi (với nguồn giống tỏi Lý Sơn) trong năm 2018 phát triển lên đến gần 600ha, năng suất thu hoạch đạt 10 tấn/ha, tăng 4 – 5 tấn/ha so với năm ngoái.
Lúc đầu mùa, giá tỏi tươi được thương lái thu mua 25.000 đồng/ kg, nhưng ít người bán vì cho rằng giá đầu vụ thấp và hy vọng khi hết mùa thu hoạch giá có thể tăng cao trở lại.
Tuy nhiên, sau đó, tỏi liên tục bị rớt giá, thương lái không hỏi mua, làm hàng trăm tấn tỏi của nông dân bị hư hỏng. Nguy cơ đổ bỏ hàng trăm tấn tỏi hoàn toàn có thể xảy ra nếu tình trạng không tiêu thụ được còn kéo dài.
Rõ ràng, nhìn vào sẽ thấy bức tranh tương phản giữa một bên là trái cây nhập hoặc trái có giống lạ được trồng trong nước có mức giá cao ngất ngưởng, so với một bên là những loại rau quả nội địa được sản xuất tự phát dẫn đến rớt giá, nguy cơ đổ bỏ.
Thực ra, với giống cà chua thân gỗ ở Đà Lạt, nhiều người cho rằng nếu trồng đại trà, trong trường hợp cây dễ sinh trưởng, trồng 3 tháng cho thu hoạch thì khó mà có mức giá cao như vậy, thậm chí là còn dẫn đến tình trạng dư thừa, mức giá cũng sẽ đổ dốc mạnh.
Tuy nhiên, với những loại cây nhập khẩu (như trái Akebi của Nhật Bản) thì việc rớt giá không phải dễ dàng khi đã xác lập được vị thế thương hiệu, tiêu chuẩn, chất lượng, đẳng cấp của mình.
Các địa phương cần tạo lợi thế cho sản phẩm nông sản đặc thù |
Cần chính sách đặc biệt
Trong câu chuyện này, các địa phương cần rút ra bài học để sản phẩm nông sản của nông dân có được lợi thế cạnh tranh bền vững, có mức giá bán đem lại thu nhập tốt chứ không phải là mức giá rẻ bèo, đầu ra bấp bênh như hiện nay.
PGs.Ts Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN), cho rằng muốn thay đổi thì phải có những chính sách rất đặc biệt.
Điển hình như vùng nông thôn Nhật Bản lâu nay có chương trình được đúc kết thành hệ thống hóa rất nổi tiếng là "mỗi làng một sản phẩm". Tức là mỗi làng chọn ra một sản phẩm đặc trưng và phải tiêu chuẩn hóa, xây dựng nó lên để có thể lưu hành sản phẩm trên toàn bộ nước Nhật. Chương trình này rất thành công và được nhân rộng trên nhiều quốc gia khác.
Hoặc như tại vùng nông thôn Hàn Quốc, mỗi khu vực khoảng 2.000 hộ nông dân trồng sâm sẽ thành lập một trung tâm về sâm. Trung tâm này nghiên cứu tất cả điều kiện thổ nhưỡng, quy trình canh tác và thâm canh, nghiên cứu giống nào là chuẩn nhất để cung cấp cho nông dân, "cầm tay chỉ việc" cho họ, giúp nông dân làm đúng quy trình, phía trung tâm trực tiếp kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo quy trình.
Và chính trung tâm đó sau này sẽ hỗ trợ nông dân xây thương hiệu, chứng nhận cho sản phẩm. Nếu như nông dân nào tuân thủ quy trình sẽ được chứng nhận sản phẩm, bán với mức giá cao và không phải lo đầu ra. Chính vì vậy, họ làm rất thành công trong hàng chục năm qua và theo ông Đà, chúng ta nên học hỏi.
Để rút ra bài học cho các địa phương ở Việt Nam, ông Đà cho rằng nên xây dựng chương trình "mỗi làng một sản phẩm" học tập theo cách của Nhật, để mỗi địa phương xây dựng một bộ tiêu chí nhằm lựa chọn những sản phẩm nào mang tính đặc thù rồi ưu tiên phát triển.
"Trên cơ sở như vậy, sẽ chuẩn hóa những sản phẩm đó, từ quy trình sản xuất đến chất lượng sản phẩm. Sau đó, đặc biệt là phải đăng ký thương hiệu. Bởi vì nếu không đăng ký thương hiệu thì sẽ không công khai hóa, minh bạch hóa được và không duy trì được", ông Đà nhấn mạnh.
Thế Vinh