Đời sống của người dân xã Mỹ Lộc đang được nâng lên nhờ các chương trình của NTM (Ảnh Tư liệu) |
Quyết tâm thay đổi cuộc sống
Được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 9 triệu đồng (30% con giống) từ chương trình phát triển chăn nuôi trong xây dựng NTM, anh Phạm Văn Lợi (ấp 9, xã Mỹ Lộc) đã phát triển mô hình nuôi dê cho hiệu quả khá cao.
Sau 3 năm làm ăn chăm chỉ, từ 9 con dê ban đầu, đến nay anh Lợi đã có trong tay đàn dê lên tới hơn 30 con. Anh bảo, nuôi dê khỏe hơn nuôi bò và cho thu nhập cao hơn, quan trọng là biết cách phòng bệnh cho dê.
“Thức ăn cho dê cũng khá dễ tìm, chủ yếu ăn lá cây, cỏ... Để vỗ béo có thể bổ sung thêm thức ăn và bã đậu nành. Dê nuôi khoảng 9 tháng (30 - 40 kg/con) là có thể xuất chuồng. Nhờ nuôi dê, đời sống gia đình tôi ngày càng ổn định, có của để dành”, anh Lợi phấn khởi nói.
Cũng được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình NTM giống anh Lợi, ông Nguyễn Hữu Phước nhận thấy những lợi thế của cây thanh long, sau khi bàn bạc cùng gia đình, được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương... Ông Phước đã bắt tay trồng cây thanh long, đồng thời vận động các hộ chuyển đổi mô hình để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn.
Tháng 6/2018, ông Phước cùng các hộ thành lập tổ hợp tác thanh long ruột đỏ Mỹ Lộc. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, nhiều người đã tự nguyện tham gia. Đến nay, tổ hợp tác hiện đã có 32 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 15 ha.
Với quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc (do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vĩnh Long hỗ trợ), nên đầu ra của tổ hợp tác khá ổn định. Hiện, đang được một công ty bao tiêu giá cao hơn 10% so thị trường.
Việc thúc đẩy các mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình được chú trọng nhằm tạo chuyển biến sâu trong xây dựng NTM (Ảnh TL) |
Chương trình NTM đang phát huy hiệu quả
Sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế hộ, tổ hợp tác, HTX điển hình đang cho thấy các nguồn lực của chương trình xây dựng NTM xã Mỹ Lộc đang được đầu tư đúng hướng và phát huy hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cũng nhờ vào sự năng động, sáng tạo của mình mà Mỹ Lộc đã trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và đến nay xã cũng đang là điểm sáng của huyện trong xây dựng NTM nâng cao.
NTM đã giúp đời sống người dân nơi đây thay đổi từng ngày. Đến nay, sau 6 năm được công nhận NTM, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt khoảng 46 triệu đồng/người/năm. Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM là xã đã xây dựng được vùng sản xuất lúa giống ở ấp 9, ấp 10 và ấp Mỹ Tân với diện tích 91 ha.
Bên cạnh đó là xây dựng cánh đồng mẫu lớn 8/8 ấp, với hơn 90,8% diện tích trồng lúa, duy trì mô hình trồng lúa hữu cơ ở Ấp 9 với 36,8ha; diện tích trồng màu đạt khoảng 290 ha/năm; dịch vụ nông nghiệp từng bước phát triển, đáp ứng 99% nhu cầu cơ giới nông nghiệp.
HTX Tân Tiến đang là một trong những điển hình trong phát huy thế mạnh trồng lúa của xã. Xuất hiện trên thị trường từ năm 2018, gạo sạch Hương Xuân - sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Ông Dương Văn Thành - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, hơn 40 ha đất trồng lúa của HTX đã “thay da đổi thịt” sau 3 năm kiên trì thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng lúa tăng đáng kể, từ bình quân gần 4 tấn/ha lên hơn 6 tấn/ ha.
Để sản xuất lúa sạch, HTX nói không với phân, thuốc hóa học. Nhờ đó, môi trường tự nhiên cũng được cải thiện, tôm cá sinh sôi phát triển trong ruộng lúa, đất đai tốt dần lên.
Đại diện UBND xã Mỹ Lộc cho biết việc phát triển các mô hình điểm như HTX Tân Tiến, tổ hợp tác thanh long Mỹ Lộc… sẽ tiếp tục được xã thúc đẩy trong thời gian tới để tạo chuyển biến sâu trong NTM, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, mở sinh kế bền vững cho nông dân.
Nhật Minh