Ba Tri đang đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp (Ảnh Tư liệu) |
Hình thành chuỗi giá trị
Kể từ năm 2018 đến nay, với những chính sách thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, huyện Ba Tri đã xây dựng thành công nhiều chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, mở ra hướng phát triển bền vững cho nông dân.
Có thể kể đến 5 chuỗi giá trị điển hình nhất gồm chuỗi giá trị bò, tôm biển, nghêu, cá khô và rau màu. Điểm đặc biệt ở các chuỗi là vai trò của các HTX, tổ hợp tác (THT) được thể hiện rõ nét.
Bước đầu, các HTX, THT đã bắt đầu hình thành liên kết sản xuất, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho thành viên. Điển hình như THT trồng nấm rơm xã Mỹ Chánh, THT nuôi gà đẻ trứng Mỹ Chánh, THT lai giống cây màu F1 sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ từ Công ty Long Hoàng Gia (TP.HCM).
Vai trò của các HTX nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng được khẳng định, hỗ trợ tích cực cho phát triển nông nghiệp như HTX Nấm An Phú Trung, tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty FSM Bến Tre; HTX Nông nghiệp Vĩnh Hòa, hàng tháng cung ứng khoảng 5 tấn cám, 200 bao thức ăn cho các thành viên trong và ngoài HTX…
Nhờ hoạt động hiệu quả, các HTX, THT đang là điểm tựa để ngành nông nghiệp huyện Ba Tri đẩy mạnh tổ chức cơ cấu lại lao động, mức độ cơ giới hóa, từng bước thay đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Tri đều được cơ giới hóa từ gieo sạ đến thu hoạch. Trong chăn nuôi, các hộ trang bị máy cắt cỏ, xay cỏ, máy bơm, máy hút sữa bò thay cho lao động chân tay.
Các chuỗi giá trị đang mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, ATLĐ cho người dân (Ảnh TL) |
Hướng tới giá trị kép
Thành công ấn tượng với mô hình nuôi dê theo phương thức an toàn đang giúp HTX nông nghiệp Vĩnh Hòa trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác tại địa phương.
Giám đốc HTX Trương Văn Dòm chia sẻ: “Để nâng cao sức cạnh tranh, thuyết phục các nhà thu mua, thành viên HTX chủ động áp dụng mô hình chăn nuôi dê an toàn ngay từ đầu để nâng cao chất lượng thịt dê”.
Trong quá trình chăm sóc, các hộ tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về chăn nuôi an toàn từ khâu vệ sinh, khử trùng chuồng nuôi, đến việc xử lý chất thải, tiêm phòng bệnh… tạo không gian thuận lợi cho đàn dê phát triển và đồng thời giảm thiểu các nguồn gây bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi.
Nhờ chăn nuôi an toàn, chất lượng đàn dê của thành viên HTX được đánh giá rất cao, không chỉ về chất lượng thịt mà cả về hình thức. Có thị trường ổn định, với đàn dê khoảng 30 con, người nuôi có thể thu về lợi nhuận 35 – 40 triệu đồng/năm.
Tương tự, HTX nuôi tôm thâm canh Vĩnh An được thành lập với 97 hộ thành viên, tổng diện tích sản xuất trên 90 ha cũng đang có thành công lớn nhờ sản xuất an toàn, chú trọng vệ sinh thực phẩm.
Sở hữu hơn 1,8 ha ao nuôi, anh Phạm Văn Đe – thành viên HTX, chia sẻ: “Hiện, bình quân mỗi năm gia đình tôi thả 2 vụ tôm (tương đương khoảng 200.000 con tôm giống/vụ), nhờ áp dụng sản xuất an toàn nên mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”.
Việc chú trọng sản xuất an toàn gắn với tiến bộ khoa học – kỹ thuật nằm trong chủ trương phát triển nông nghiệp hiện đại, hướng tới giá trị toàn diện về kinh tế, sức khỏe cho nông dân của huyện Ba Tri trong nhiều năm qua. Những kết quả cho thấy, các HTX, THT đang hoàn thành rất tốt.
Sáu Ngạn