Những HTX đầu tàu
Năm 2016, HTX nông nghiệp truyền thống Toàn Thắng (Hải Toàn, Hải Hậu, Nam Định) đã tiến hành giải thể và thành lập HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012; quy mô ban đầu có 300 hộ thành viên. Hiện, HTX đã phát triển lên hơn 400 hộ thành viên, tổng diện tích canh tác trên 600ha; trong đó 435ha trồng 2 vụ lúa, 165ha trồng màu, cây đinh lăng dược liệu. Diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao (gạo bắc thơm số 7, gạo tám xoan, lúa nếp bắc) chiếm 98% diện tích trồng lúa.
Ngoài việc đảm bảo cung ứng vật tư nông nghiệp cho các hộ thành viên, HTX còn ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH Cường Tân với sản lượng lúa giống mỗi năm khoảng 750 tấn; liên kết sản xuất lúa bắc thơm số 7 với Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) mỗi năm 100 tấn; liên kết với Công ty Ba Duy, TP Vũng Tàu bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản tám xoan cho các hộ thành viên với sản lượng mỗi năm 50 tấn; liên kết với Công ty Dược Traphaco bao tiêu sản phẩm cây dược liệu của các hộ thành viên mỗi năm 20 tấn...
Doanh thu của HTX mỗi năm từ 8-10 tỷ đồng; làm gia tăng lợi ích cho các hộ thành viên thông qua liên kết mỗi năm trên 1 tỷ đồng...
Cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ đặc sản tám xoan - nếp bắc của HTX Toàn Thắng |
Ông Hà Minh Đức - Giám đốc HTX Toàn Thắng, cho biết: “Từ năm 2018, HTX đã thành lập doanh nghiệp trực thuộc HTX, tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng một xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản với công suất 2.000 tấn thóc/năm. Hiện nay, HTX đang xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo đặc sản (tám xoan bao tử, nếp bắc truyền thống) theo phương pháp hữu cơ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kế hoạch sản xuất lúa gạo đặc sản đến năm 2020 có 100-150ha, sản lượng mỗi năm từ 150-270 tấn thóc tám xoan bao tử”.
Một điển hình khác là HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên). Sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX đã tập trung thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; áp dụng biện pháp canh tác theo hướng sản xuất hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn nông sản an toàn từ sản xuất phân hữu cơ công nghệ Nhật Bản đến canh tác, xây dựng tem nhãn truy xuất.
HTX đã liên kết với Công ty TNHH Ngọc Anh, Công ty Chế biến thực phẩm Đồng Giao và một số cửa hàng nông sản sạch để sản xuất, tiêu thụ khoai tây và các loại rau. Đến nay, các sản phẩm rau thương hiệu HTX Nam Cường đã được thị trường tiếp nhận.
Nhiều HTX xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản để cung cấp thực phẩm đến người tiêu dùng (Ảnh: TL) |
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định Trần Văn Phiệt cho biết, điểm mấu chốt ở mô hình HTX kiểu mới chính là hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Để xây dựng mô hình HTX kiểu mới, trên cơ sở các chính sách của tỉnh, Liên minh HTX phối hợp với các ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT… sẽ cùng giúp các HTX tiếp cận với các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Từ nền tảng hiện có cộng với sự hỗ trợ tích cực, các HTX đã được chọn thành lập mới sẽ trở thành các HTX kiểu mới. Đây sẽ là những mô hình điểm để các HTX khác học hỏi, cũng như để thay đổi cách nhìn của người dân về kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Cũng theo ông Phiệt, để xây dựng và phát triển mô hình HTX kiểu mới thành công trong lĩnh vực nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần nêu cao trách nhiệm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở về phát triển HTX nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường năng lực, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp theo hướng cấp tỉnh tăng cường cán bộ tham mưu về kinh tế tập thể; cấp huyện có cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý, hỗ trợ phát triển HTX; cấp xã bố trí cán bộ bán chuyên trách theo dõi, hỗ trợ phát triển HTX.
Bênh cạnh đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển; tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách về đất đai; đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để HTX nông nghiệp xây dựng trụ sở, nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Song song đó, giao đất công ích để HTX nông nghiệp đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất;; tạo điều kiện thuận lợi để các HTX được vay vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của quỹ hỗ trợ phát triển HTX; thực hiện tốt các chính sách về nguồn nhân lực… Xây dựng các mô hình thí điểm HTX, liên hiệp HTX cung ứng thực phẩm an toàn, kết nối từ nơi sản xuất đến bảo quản, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng cán bộ HTX, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại với HTX, liên hiệp HTX, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX phát triển.
Phạm Duy