Nguyễn Tiến Đạt từng là người rất sợ ong nhưng nghề nuôi ong lấy mật lại là nghề truyền thống của gia đình. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ thông tin và từng làm việc ở một doanh nghiệp một thời gian, Đạt nhận thấy ngành nghề này không phải là đam mê của mình.
Cái duyên với nghề
Về quê với mong muốn tìm hướng đi mới, Nguyễn Tiến Đạt đã dần làm quen với nghề nuôi ong nhờ sự tiếp sức của 2 người cậu. Sau thời gian tìm hiểu và làm quen với nghề nuôi ong, anh nhận ra đây là một nghề thú vị, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đặc biệt: ong không phải là loài đáng sợ như anh từng nghĩ.
Nhận thấy người dân chủ yếu nuôi ong theo quy mô nhỏ, đầu tư chưa bài bản nên chưa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, Nguyễn Tiến Ðạt đã vận động người thân và người dân thành lập HTX ong mật Ðiện Biên để cùng nhau mở rộng sản xuất.
Giám đốc HTX ong mật Điện Biên Nguyễn Tiến Đạt giới thiệu sản phẩm cho khách hàng (Ảnh: TL) |
Ðể sản phẩm mật ong đảm bảo chất lượng, Nguyễn Tiến Ðạt và các thành viên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng các sản phẩm, bởi chất lượng chính là yếu tố quyết định sự thành công của sản phẩm trên thị trường.
Trong đó, các khâu từ chọn con giống, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, cho đến khâu chế biến và bảo quản sản phẩm đều được bảo đảm. Các bước khai thác mật được xử lý chặt chẽ với hệ thống lọc thô để lắng đọng rồi lọc tinh, sau đó đóng chai, hũ sản phẩm, dán tem, nhãn trước khi đưa ra thị trường.
Để làm được điều này, người nuôi phải hiểu được những đặc tính của ong từ xây tổ, chia đàn, cách luân chuyển đàn ong, mùa hoa nở… Không chỉ dừng ở những kiến thức học hỏi được từ người thân, để dẫn dắt các thành viên, Giám đốc Nguyễn Tiến Đạt đã phải đi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình nuôi ong ở các tỉnh, thành khác, đồng thời liên hệ với các ngành chức năng để xin hỗ trợ về vốn, giống, đầu ra… Anh cũng học hỏi thêm kỹ thuật nuôi ong trong thùng kế để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Anh Đạt cho biết nuôi ong quy mô nhỏ phục vụ gia đình thì đơn giản, nhưng nuôi theo quy mô lớn để kinh doanh thì không hề dễ vì thị hiếu người tiêu dùng rất đa dạng, muốn nhiều người tin tưởng thì phải đặt chất lượng lên hàng đầu, đồng thời phải mở rộng được sản phẩm.
Chính vì vậy, ngoài các sản phẩm chủ lực như mật ong hoa cỏ Lào, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa đào rừng, mật ong hoa ban… với sản lượng 100 tấn/năm, HTX còn phát triển thêm sản phẩm mới như: phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong, nến ong…
Các sản phẩm đều được công nhận là sản phẩm sạch. Đặc biệt, sản phẩm mật ong bánh tổ và mật ong hoa ban của HTX đã đạt 4 sao khi tham gia chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm).
Bên cạnh việc tiêu thụ mật ong của các thành viên, HTX còn đứng ra thu mua thêm mật ong của các hộ dân trên địa bàn nhưng với điều kiện sản phẩm phải bảo đảm các quy trình sản xuất mà HTX đặt ra để giúp thương hiệu sản phẩm được nâng tầm.
Mô hình sản xuất của HTX ong mật Điện Biên không những làm giàu cho bản thân các thành viên với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi măm mà còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và gần 20 lao động thời vụ.
Thành viên HTX ong mật Điện Biên kiểm tra đàn ong (Ảnh: TL) |
Các thành viên còn nhiệt tình phổ biến kỹ thuật và phương pháp chăm sóc ong cho nhiều hộ gia đình làm theo và phát triển nghề. Từ đây, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nhiều gia đình thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.
Giám đốc Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: “Nuôi ong là nghề “một vốn bốn lời” vì chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích. Chính vì vậy, nghề nuôi ong lấy mật đang hứa hẹn giúp nhiều hộ dân ở huyện miền núi Điện Biên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương”.
Ứng dụng thương mại điện tử
Nhận thấy ứng dụng thương mại điện tử là một xu thế tất yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lại vốn là người học ngành công nghệ thông tin nên Nguyễn Tiến Đạt không bỏ qua sự hỗ trợ đắc lực của thương mại điện tử trong sản xuất, đặc biệt là trong tìm kiếm thông tin, tiếp cận khách hàng và giới thiệu sản phẩm.
Ngoài sử dụng phần mềm kế toán, quản lý bán hàng, Nguyễn Tiến Đạt đã thành lập các trang mạng xã hội nhằm thúc đẩy tiếp thị, quảng bá, trao đổi thông tin qua internet. Đây cùng là cách để HTX tiếp cận với người tiêu dùng, khách hàng, đối tác một cách nhanh nhất.
Hiện, sản phẩm của HTX đã có mặt trên một số trang bán hàng điện tử nên tiếp cận được với nhiều khách hàng và nhận được đánh giá tốt từ người tiêu dùng.
Giám đốc HTX ong mật Ðiện Biên Nguyễn Tiến Đạt cho biết hiện nay, thị trường hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản rất đa dạng, nên để cạnh tranh được, ngoài đầu tư về chất lượng thì cần ứng dụng thương mại điện tử. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới mà các doanh nghiệp, HTX cần hướng đến.
HTX cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các buổi đào tạo và tuyển dụng đội ngũ nhân viên, thành viên trẻ tuổi có tri thức để thuận tiện ứng dụng thương mại điện tử, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của HTX.
Với định hướng phát triển bền vững, HTX ong mật Điện Biên mong muốn sẽ được địa phương, các cấp ngành tạo điều kiện mở rộng nguồn vốn để tiếp tục phát triển thị trường cũng như đầu tư các máy móc hiện đại phục vụ chế biến sâu, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Huyền Trang