Tại HTX Nông nghiệp xanh V-Phúc (Hải Dương), các thành viên đang bán vải tại vườn cho doanh nghiệp xuất khẩu với giá 38.000 - 40.000 đồng/kg. Mức giá này được các thành viên HTX đánh giá là cao gần gấp đôi so với vụ năm trước.
Được mùa, được giá
HTX V-Phúc cũng đã phối hợp với các ban ngành và doanh nghiệp xuất khẩu hơn 11 tấn vải sang các nước Anh, Đức, Hà Lan. HTX dự kiến vụ vải năm nay xuất khẩu khoảng 200 tấn sang thị trường châu Âu. Dự kiến vải xuất sang các nước sẽ được bán với giá 600.000- 650.000 đồng/kg.
Còn ông Phạm Văn Giang, đại diện HTX Ameii Việt Nam (Hải Dương) cho biết, đến thời điểm hiện tại, HTX đã có 300 tấn vải được doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu, chiếm 2/3 sản lượng vải của của toàn HTX. Hiện, giá vải được doanh nghiệp thu mua tại HTX là khoảng 28.000 đồng/kg.
Còn tại vùng trồng vải Lục Ngạn (Bắc Giang), việc tiêu thụ vải cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Theo ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thanh Hải, giá thu mua tại vườn hiện là 28.000 đồng/kg. Với giá vải như hiện nay, các thành viên có lãi, các gia đình khác tại địa phương cũng bán được vải thiều với giá tương tự.
Có thể thấy, giá bán vải của các HTX tại vườn hiện ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Để vải được bán với giá cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính, các HTX đã chú trọng chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Chính vì vậy mà quả vải có mẫu mã đẹp, đồng đều, không bị sâu đầu, đảm bảo vị ngọt đậm.
Và nhờ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và các ngành chức năng nên ngay từ đầu vụ, quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đã được áp dụng nghiêm túc.
Vải của các HTX được bán với giá cao hơn 20-25% so với vải trồng thông thường. |
Là đại diện doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu vải thiều Hải Dương sang thị trường cao cấp, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho biết những ngày gần đây do bước vào thời điểm chính vụ nên giá vải thiều ở ngoài thị trường đã có xu hướng giảm, còn khoảng 15.000-17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do liên kết chặt chẽ với các HTX nên doanh nghiệp vẫn thu mua vải cho các hộ thành viên với giá cao hơn thị trường từ 15-20% so với vải trồng thông thường.
“Đến thời điểm hiện tại, việc đưa vải thâm nhập các thị trường khá thành công vì chất lượng loại nông sản này được các đơn vị nhập khẩu đánh giá cao”, bà Hồng nói.
Năm 2022, các vùng trồng vải thiều Việt Nam dự báo được mùa, sản lượng ước đạt 320.000 tấn. Sản lượng lớn nhưng thời gian thu hoạch vài mang tính mùa vụ nên việc các HTX xây dựng chuỗi liên kết nhằm mở rộng thị phần, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng kênh phân phối... chính là cách mở rộng đầu ra cho loại nông sản đặc trưng này.
Chủ động đầu ra, đa dạng cách tiêu thụ
Mặc dù đang có những thuận lợi nhưng việc tiêu thụ vải năm nay ở các vùng trồng chủ lực vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Xác định Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Dịch vụ nông sản sạch Tiến Phát (Bắc Giang) cho biết, việc tiêu thụ vải cũng gặp chút khó khăn do quá trình thông quan qua cửa khẩu Trung Quốc vẫn có những hạn chế.
Để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc thuận lợi, người dân, chủ các điểm thu mua cần tuân thủ tiêu chuẩn thu hoạch. Đó là cắt cuống ngắn dưới 10cm, loại bỏ lá vải còn sót lại.
“Thực tế năm nay đã có một số xe vải của một số đơn vị thu mua bị trả lại, thối hỏng do không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc. Vì vậy, khi bà con mang sản phẩm có cuống quá dài, nhiều lá thì HTX không thể thu mua”, ông Cường nói.
Vải tươi cũng chỉ thu hoạch được trong thời gian ngắn nên nếu việc liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ không bài bản, chặt chẽ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá bán. Trong khi chi phí vận hành dây chuyền công nghệ về bảo quản, xông hơi khử trùng, vận chuyển để xuất khẩu sang thị trường khó tính còn cao nên số lượng đầu tư đồng bộ còn hạn chế.
Không chỉ những khó khăn trước mắt mà từ trước đó, tình hình thị trường thế giới biến động khiến giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao so với các năm trước phần nào ảnh hưởng đến kết quả vụ thu hoạch vải.
Ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thanh Hải (Bắc Giang) cho biết, HTX có 10 ha vải xuất khẩu đi Nhật. Việc sử dụng thuốc phun diệt sâu đục cuống quả nằm trong danh mục cho phép nhưng chi phí bị đội lên 5- 7 triệu đồng/ha.
Hơn nữa, hiện nay, nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, nếu không cẩn trọng trong các bước thu hoạch, vận chuyển, bảo quản thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả vải khi xuất sang Nhật Bản.
Chính vì vậy để có một vụ vải hiệu quả, ngoài việc cố gắng hoàn thiện quy trình xuất khẩu, không ít HTX cũng “không quên” thị trường nội địa để bảo đảm đầu ra.
Ông Phan Văn Nết, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ Phì Điền (Bắc Giang) chia sẻ, cách đây 2 tháng, Ban giám đốc HTX đã vào một số tỉnh, thành phố phía Nam để tìm kiếm thêm thị trường đầu ra. Chính vì vậy mà ngoài diện tích vải thu hoạch sớm, diện tích vải tươi chính vụ cũng được HTX dự kiến tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị: Winmart, Lotte Vina, T-Mart và sàn thương mại điện tử Postmart.vn với sản lượng khoảng 500 tấn.
Để chủ động với kịch bản xấu nhất, không ít HTX còn xây dựng dự phòng các lò sấy để sấy vải thành sản phẩm khô như HTX Tiến Phát. Có HTX còn chủ động đầu tư kho lạnh để nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế sự tác động của thời tiết đến quả vải, đồng thời kéo dài thời gian xuất ra thị trường.
Tiêu biểu như HTX dịch vụ tổng hợp thương mại Hồng Xuân, HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (Bắc Giang) đã có kho bảo quản lạnh với công suất thiết kế 150 tấn, thời gian bảo quản 20-30 ngày.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân, chia sẻ sau khi tách khỏi cây, nếu cách 8 - 12 giờ mới bảo quản bằng đá lạnh thì chất lượng vải giảm xuống rất nhiều. Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch, HTX bảo quản bằng cách đóng hộp và giữ ở nhiệt độ thích hợp để quả vải có thể giữ được chất lượng tương đương với quả vải khi mới được cắt xuống, và có thể đưa vào siêu thị hay xuất khẩu.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo quản lạnh, một số HTX còn đầu tư chế biến, bảo quản theo hướng khép kín. Như HTX Nông nghiệp xanh V-Phúc đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu rộng 2.000 m2 gồm 4 kho bảo quản lạnh và 3 khu sơ chế, đóng gói. Cơ sở này hoạt động theo một chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được mọi yêu cầu của các đối tác nước ngoài. Chính vì vậy mà ngoài xuất quả tười, HTX còn có hợp đồng tiêu thụ vải sấy khô cho các doanh nghiệp ở phía Nam trong thời gian tới.
Có thể thấy, ngoài xuất khẩu, các HTX xác định thị trường nội địa vẫn là kênh tiêu thụ rộng mở. Chính vì vậy, các HTX ở vùng trồng vải trọng điểm đã sớm trao đổi, kết nối với các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp phân phối, chợ đầu mối, thương nhân để tiêu thụ vải một cách thuận lợi, đa dạng đầu ra.
Bên cạnh đó, các HTX cũng xác định sẽ tận dụng tối ưu công nghệ để tăng cường tổ chức giao dịch mua bán vải thiều trên các nền tảng công nghệ số. Để hút khách hàng, việc chú trọng thiết kế lại tem, nhãn bao bì sản phẩm cũng đã được không ít HTX quan tâm.
Hy vọng rằng với sự chuyên nghiệp và cố gắng không ngừng nghỉ, các HTX và bà con sản xuất, kinh doanh vải năm nay sẽ vượt qua được khó khăn, tiếp tục khẳng định được giá trị loại nông sản đặc trưng này trên thị trường.
Huyền Trang