Đơn Dương là một trong những huyện đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, với hàng loạt vùng sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, trở thành điểm tựa giảm nghèo, làm giàu cho thành viên, người lao động.
Ứng dụng công nghệ mới
Điểm sáng tiêu biểu có thể kể đến là HTX Nông nghiệp Thiện Thanh (xã Đạ Ròn). Hiện, HTX được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho các sản phẩm rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đại diện HTX cho hay sản xuất rau theo hướng hữu cơ năng suất có thể không bằng sản xuất đại trà thông thường, nhưng bù lại giá thành cao, thị trường ưa chuộng, đồng thời khả năng cải tạo và tăng độ phì cho đất tốt hơn.
Cụ thể, năng suất các loại rau sản xuất theo hướng hữu cơ thấp hơn năng suất canh tác thông thường từ 20-30%, tuy nhiên, giá bán ký hợp đồng tiêu thụ cao hơn 30-50% so với sản xuất thông thường. Do đó, hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn cao hơn canh tác thông thường từ 10-20%.
![]() |
Sản xuất theo tư duy mới, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất. |
Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu, thôn Ma Đanh (xã Tu Tra) cũng là một điển hình trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đơn Dương. Bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng trên 1 tấn rau sạch ra thị trường, giá trị cao hơn sản xuất thường 30-35%.
Chị Ma Đậm, người sáng lập tổ hợp tác được biết tới là người đầu tiên thực hiện mô hình canh tác rau hữu cơ tại thôn Ma Đanh. Năm 2016, tại khu vườn 1.000m2 của gia đình, chị đã trồng các loại rau theo hướng hữu cơ. Sau đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức Caritas Đà Lạt, chị Đậm đã cùng với các phụ nữ khác trong thôn thành lập Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu, với các thành viên đều là người dân tộc Chu Ru.
Hiện, Tổ hợp tác rau hữu cơ IEM Gõh Churu có sự tham gia của gần 10 hộ thành viên với 7.000 m2 đất, nông sản được sản xuất gồm củ, quả, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Nhờ hiệu quả trong sản xuất, 100% thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ khá giả, với thu nhập bình quân 40-75 triệu đồng/năm.
Nâng cao giá trị kinh tế
Cũng nhờ sự hình thành của hàng loạt mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng công nghệ cao, diện mạo nông nghiệp thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang có bước khởi sắc toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân liên tục được cải thiện rõ rệt.
Theo khảo sát, Đông Triều hiện có gần 900 ha trồng na, trong đó xã An Sinh chiếm khoảng 50% tổng diện tích. Để tạo ra các nông sản sạch, từ năm 2018 đến nay, các hộ trồng na trên địa bàn đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng na truyền thống sang áp dụng quy trình VietGAP.
HTX na dai Đông Triều đang là một trong những lá cờ đầu trong xây dựng mô hình trồng na VietGAP theo hướng hàng hóa trên địa bàn thị xã. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, sản xuất sạch chính là chìa khóa vàng để HTX chinh phục thị trường.
Ông Nguyễn Minh Sơn, thành viên liên kết của HTX, cho hay nhờ sự đồng hành của địa phương và HTX na dai Đông Triều, gia đình ông triển khai canh tác hơn 1,2 ha na theo quy trình VietGAP.
Bên cạnh cây na, thị xã Đông Triều với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời đang phát triển mạnh mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ, mở ra hướng đi mới, giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Đáng chú ý, để phát huy thế mạnh của địa phương, HTX Dược liệu xanh Đông Triều được thành lập và chú trọng vào sản xuất vùng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP – WHO. Hiện, HTX phát triển trồng ba kích, trà hoa vàng, kim ngân, hà thủ ô, địa hoàng, đinh lăng...
Đại diện Phòng NN&PTNT thị xã Đông Triều cho biết, thời gian qua, thị xã đã xây dựng và hoàn thiện xong việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên môn hóa, phát huy tối đa thế mạnh sản xuất trên địa bàn như xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây hoa màu, rau, củ, quả…
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, thị xã đã chuyển đổi trên 800 ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từ đó, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung trồng các loại cây chủ lực, mang lại giá trị kinh tế vượt trội.
Có thể thấy, việc chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng khoa học, chuyên canh, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao là chìa khóa để các địa phương trên cả nước đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh để đa dạng nguồn thu nhập cho người nghèo, hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành rà soát, cân đối các loại quỹ đất ở, đất sản xuất để bố trí cho những hộ nghèo có nhu cầu đất ở, đất sản xuất phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp lợi thế của mỗi địa phương để nhân rộng, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Cẩm Tú