Trước đây, việc đo lường và đánh giá hộ nghèo chủ yếu thông qua thu nhập, nếu thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì thuộc diện hộ nghèo. Nhưng với việc rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều hiện nay, ngoài nâng tiêu chí mức thu nhập (khu vực nông thôn lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng) thì việc tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, từ 5 lên 6 chiều cũng là điều đáng quan tâm.
Cách làm sáng tạo
Rõ ràng, muốn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới này không hề đơn giản. Do đó, giải pháp cốt lõi mà Thanh Hóa đặt ra là huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo.
Đặc biệt, tỉnh đã đưa ra giải pháp đề nghị các địa phương, ngành chức năng trong quá trình rà soát phải xác định rõ nguyên nhân gây nghèo đa chiều. Bởi nếu xác định được rõ nguyên nhân thì mới có thể đưa ra chính sách, biện pháp giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân làm cho người dân rơi vào nghèo đa chiều rất nhiều, nhưng hiện nay chủ yếu gồm các vấn đề liên quan với nhau. Đó là hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Lao động tại địa phương thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững…
Ngoài ra, ở những vùng đông hộ nghèo đa chiều đều thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên người dân khó liên kết phát triển sản xuất, khó nâng cao được thu nhập và tiếp cận với các chính sách nâng cao đời sống.
Liên kết phát triển kinh tế là cách làm đặc thù trong chính sách giảm nghèo ở Thanh Hóa. |
Trước thực trạng trên, tỉnh đã có một cách làm sáng tạo đó là tiến hành kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các huyện, thị xã, thành phố miền xuôi với các huyện miền núi. Việc làm này không chỉ tạo trách nhiệm, sự gắn kết giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh mà còn phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái.
Cụ thể như việc kết nghĩa giữa thị xã Bỉm Sơn với huyện Lang Chánh đã và đang tạo thành những chiếc cầu nối tích cực trong công tác giảm nghèo. Đó là huyện Lang Chánh đã hỗ trợ thị xã Bỉm Sơn xi măng và các nguồn lực khác để giúp hoàn thành được các tiêu chí giao thông, nhà ở dân cư và vườn hộ, môi trường và an toàn thực phẩm.
Huyện Lang Chánh cũng hỗ trợ thị xã Bỉm Sơn chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên diện tích đất có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hướng dẫn hỗ trợ mô hình trang trại chăn nuôi, hình thành mô hình HTX đáp ứng các tiêu chuẩn.
Chính vì vậy mà đến nay, Bỉm Sơn đã phát triển được 13 mô hình HTX, hơn 100 trang trại hàng hóa. Các mô hình này đang giúp người dân nâng cao tay nghề, kỹ năng trong sản xuất và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với các dịch vụ, chính sách của Nhà nước cơ bản như: chính sách giảm nghèo, tham gia bảo hiểm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhà ở…
Được sự hỗ trợ tích cực từ huyện gần kề, đến nay, thị xã Bỉm Sơn chỉ còn 203 hộ nghèo, chiếm 1,22% tổng số hộ dân, giảm 37 hộ so với đầu năm 2022. Địa phương cũng chỉ còn 174 hộ cận nghèo, chiếm 1,04% tổng số hộ dân, giảm 8 hộ so với đầu năm 2022 theo Tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Từng bước hoàn thiện “sứ mệnh”
Có thể thấy, việc kết nghĩa và hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã từng bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong công tác giảm nghèo, đó là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.
Từ sự kết nghĩa này, các chính sách hỗ trợ gắn với các công trình kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất... đã hiện hữu. Nhiều địa phương đã được đỡ đầu trong công tác giảm nghèo, nhất là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên. Kết quả là sau gần 5 năm thực hiện chính sách, từ 100 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên đã giảm xuống còn 6 xã vào đầu năm 2021.
Điều ấn tượng là trong 7 năm qua, tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi trong địa bàn tỉnh luôn cao hơn 1,8 lần bình quân chung toàn tỉnh (trong đó, riêng 7 huyện nghèo là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân tốc độ này cao gấp 2,2 lần bình quân chung toàn tỉnh). Đặc biệt, năm 2018, huyện Như Xuân đã thoát khỏi diện huyện nghèo và là một trong 8 huyện của cả nước thoát khỏi diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Có thể khẳng định, cùng với các chính sách chung, việc xác định rõ nguyên nhân đói nghèo và đưa ra được chính sách giảm nghèo đặc thù cho địa phương đã và đang giúp Thanh Hóa từng bước hoàn thành “sứ mệnh” giảm nghèo cho người dân, nhất là giảm nghèo ở những xã, thôn, bản miền núi đặc biệt khó khăn.
Những thành quả đạt được trở thành tiền đề, thành điểm tựa để Thanh Hóa đẩy nhanh, đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo trong tình hình mới và yêu cầu mới.
Đặc biệt, thành tựu từ công tác giảm nghèo đã thêm một bước hiện thực hóa quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, khi chính sách đã tiếp cận đến những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, như đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội (người có công, trẻ em, người tàn tật...).
Tùng Lâm