Nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, trung tâm của miền Tây Bắc Nghệ An, huyện Quỳ Châu có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất và chế biến nông lâm sản, khai thác khoáng sản và tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, địa hình chia cắt mạnh bởi đồi núi, sông suối khiến nông nghiệp gặp khó khăn.
Quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số
Để nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Quỳ Châu đang chú trọng phát triển khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác.
Nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái ở Quỳ Châu (Ảnh TL) |
Quỳ Châu nổi tiếng về làng nghề hương trầm và đã được cấp bằng công nhận thương hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1 HTX và 7 làng nghề sản xuất hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn. Riêng thị trấn Tân Lạc có 1 HTX và 1 làng nghề với hơn 100 hộ tham gia.
HTX hương trầm Hà Loan, thị trấn Tân Lạc, đang là điển hình trong sản xuất hiệu quả. Hiện, HTX đang có doanh thu xấp xỉ 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 25 lao động, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trong số lao động của HTX, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Đại diện HTX Hà Loan cho hay, những năm trước, số lượng sản phẩm của HTX còn rất hạn chế, nhưng đến nay, HTX ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong xã. Số lượng lao động năm sau cao hơn năm trước. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang rất được cộng đồng ủng hộ.
Bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến) là một trong những cái nôi dệt thổ cẩm nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An.
Năm 2010, bà Sầm Thị Bích đã dựa trên những lợi thế của địa phương để thành lập HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, với mong muốn lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho chị em phụ nữ nơi đây.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX không chỉ được bán tại thị trường trong nước, mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, nhất là tại một số nước như Lào, Đức, Pháp, Australia...
Thu nhập bình quân của các thành viên HTX, đa phần là phụ nữ dân tộc Thái, hiện đạt từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu ước tính cả năm của HTX khoảng 600 triệu đồng.
Các định hướng phát triển rõ ràng
Để tiếp tục phát triển kinh tế địa phương, mở hướng thoát nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, những năm qua, huyện Quỳ Châu đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Quỳ Châu định hướng phát triển các ngành nghề sản xuất theo hướng an toàn để xóa nghèo, làm giàu cho người dân (Ảnh TL) |
Điển hình, huyện đã hực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Bố trí cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, giống hợp lý, tổ chức sản xuất vụ hè thu, vụ đông trên diện rộng.
Huyện cũng tăng cường hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa không chủ động được nước sang trồng ngô, trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi, trồng lạc, mía và một số cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Về tiểu thủ công nghiệp, huyện tập trung phát triển mạnh cụm công nghiệp nhỏ thị trấn Tân Lạc, định hướng kêu gọi đầu tư vào phát triển các khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ ở các khu vực thuộc các xã trung tâm, ven Quốc lộ 48 có điều kiện thuận lợi về tài nguyên, đất đai, mặt bằng và khai thác được nguồn lao động dôi dư do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Những năm qua, Quỳ Châu cũng đã tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng ghép với chương trình xóa nghèo khác của địa phương để xóa nghèo cho hàng nghìn hộ dân.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, toàn huyện được bố trí trên 300 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay, nguồn vốn giải ngân đạt gần 230 tỷ đồng thông qua các dự án như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, truyền thông giảm nghèo...
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 50,55% năm 2016 xuống còn 20,17% tính đến tháng 6/2020. Toàn huyện có gần 5.800 hộ thoát nghèo trong vòng 5 năm qua.
Hưng Nguyên