Các chính sách đã dần phát huy hiệu quả, nhiều mô hình về cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao được hình thành trên địa bàn huyện, như mô hình trồng rau an toàn, liên kết sản xuất lúa giống, đặc biệt bước đầu đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp…
Hình thành liên kết
Bắt đầu từ năm 2010, những thành công trong phát triển cánh đồng lớn đã giúp HTX nông nghiệp Phước Quang (xã Phước Quang) bứt lên, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, người lao động.
Các HTX đang góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo tại Tuy Phước (Ảnh TL) |
Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu của huyện, HTX đã hướng dẫn các thành viên chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang sản xuất 2 vụ lúa/năm, đồng thời liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất hàng hóa.
Đơn cử, HTX đã liên kết với CTCP Giống cây trồng Thái Bình sản xuất lúa giống BC15 trên 3 cánh đồng mẫu lớn diện tích 120 ha. Công ty thu mua 400 - 500 tấn thóc giống/năm, làm lợi cho thành viên từ 600 - 750 triệu đồng và HTX lãi dịch vụ cung ứng giống từ 90 - 120 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc HTX, cho hay: “Cái lợi lớn nhất của việc liên kết với doanh nghiệp không chỉ về giá trị kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, thích ứng với phương thức sản xuất hiện đại”.
Tương tự, nhờ năng động trong cơ chế thị trường, HTX nông nghiệp Phước Sơn 1 (xã Phước Sơn) đã tìm được hướng đi cụ thể và kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Trong mảng sản xuất, HTX vận động thành viên chuyển từ trồng 3 vụ lúa/năm sang trồng 2 vụ lúa/năm theo mô hình cánh đồng lớn rộng hơn 500 ha để thuận lợi ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa.
HTX ký kết hợp đồng với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho thành viên. Diện tích lúa được thâm canh theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng giống mới nên sản xuất luôn đạt kết quả cao.
Kéo giảm hộ nghèo
Theo UBND huyện Tuy Phước, với hướng đi đúng trong tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay về cây lúa, diện tích gieo trồng hằng năm đạt 14.946 ha, năng suất bình quân đạt 7,1 tấn/ha, tăng 2,03% so với năm 2015.
Nhờ sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người tại Tuy Phước hiện đạt trên 47,2 triệu đồng/năm (Ảnh TL) |
Huyện đang triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.400 ha/năm và triển khai thực hiện thành công cánh đồng lớn tập trung ở 4 xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Lộc và Phước Sơ) với diện tích 840 ha/năm.
Lĩnh vực thủy sản cũng có bước phát triển khá, ước sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2020 đạt 6.190 tấn, tăng 0,92% so với năm 2015.
Các mô hình phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đa dạng các phương thức nuôi gắn với bảo vệ môi trường, ổn định diện tích nuôi bán thâm canh.
Điển hình như mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cá chua quy mô 19,5 ha/15 hộ ở Phước Sơn; nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp cá rô phi quy mô 23,5 ha/40 hộ ở Phước Thắng và nuôi cua xanh thương phẩm quy mô 0,5 ha/1 hộ ở xã Phước Thuận.
Tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao đã tạo tiền đề để huyện Tuy Phước phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, mang lại bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 toàn huyện đạt 47,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,5%.
Rõ ràng, các bước đi trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao vai trò HTX, của huyện đang phát huy hiệu quả và cần tiếp tục được đầu tư, phát huy trong thời gian tới.
Nhật Minh