Sự đổi mới trong hoạt động sản xuất, chú trọng ứng dụng thành quả khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đang giúp Tri Tôn hình thành nhiều mô hình canh tác có giá trị kinh tế cao, điển hình như chuối, xoài, mãng cầu, bơ, nhãn…
Nông dân làm giàu
Đi lên từ tổ hợp tác làm vườn, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Bà Tri (xã Lê Trì) phát triển mạnh cả về số lượng thành viên và chất lượng sản xuất, từng bước đưa sản phẩm xoài Bến Bà Chi "vượt biển" sang Mỹ.
![]() |
Xoài Bến Bà Tri đang là nông sản thế mạnh ở Tri Tôn (Ảnh TL) |
Xoài là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ (sau vải thiều, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long). Năm 2019, hơn 1 tấn xoài đầu tiên của HTX Bến Bà Tri xuất là một trong những lô xoài mở đường của tỉnh An Giang sang thị trường xứ sở Cờ hoa.
Sự chủ động trong công tác nghiên cứu thị trường giúp thành viên HTX xóa bỏ tình trạng “được mùa, mất giá”, thương lái thao túng, bẻ kèo. Việc xuất bán đồng loạt với số lượng lớn (nhờ các hợp đồng đã ký trước) giúp giá bán sản phẩm của HTX ổn định và cao hơn 20 - 35% so với giá thị trường.
Kể từ năm 2018, HTX đã sản xuất thành công xoài trái vụ, mang lại giá trị lớn cho thành viên. Đến nay, mỗi đợt thu hoạch, HTX xuất cho thương lái trên dưới 100 tấn quả, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng, từ đó nâng thu nhập cho thành viên.
100% thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ thuộc hàng khá giả. Thu nhập bình quân của thành viên HTX đang ổn định ở mức 70 - 120 triệu đồng/hộ/năm.
Mô hình liên kết trồng khoai tây an toàn tại xã Thanh Hải, huyện Tri Tôn cũng đang phát huy hiệu quả, thu hút hàng chục hộ nông dân, sản xuất trên tổng diện tích hơn 5 ha.
Bà Nguyễn Thị Xuyến - thành viên tham gia mô hình liên kết trồng khoai tây, chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi chủ yếu trồng ngô và lạc, sản xuất nhỏ lẻ nên sau khi trừ chi phí chỉ thu về 500 - 600 nghìn đồng/sào/vụ”.
Tham gia sản xuất khoai tây an toàn, gia đình bà Xuyến được hỗ trợ tích cực về cả dịch vụ đầu vào và đầu ra, từ đó gia tăng năng suất, giá trị sản phẩm.
“Đến vụ thu hoạch có doanh nghiệp đến tận nơi bao tiêu, chúng tôi không còn lo cảnh “được mùa dội chợ”. Thu nhập hiện tại của gia đình tôi tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây”, bà Xuyến vui mừng cho hay.
Phát huy thế mạnh
Mô hình trồng chuối cấy mô cũng đang mang lại giá trị cao, góp phần thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo ở Tri Tôn. Đặc biệt, mô hình đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết với tổng diện tích hàng trăm ha.
![]() |
Mô hình trồng chuối đang có sự liên kết của nhiều HTX, doanh nghiệp (Ảnh TL) |
Theo các hộ tham gia phát triển mô hình, cây chuối cấy mô sau 8 - 9 tháng sẽ cho thu hoạch vụ đầu. Mỗi bụi chuối chỉ chừa 1 cây con phát triển để thu hoạch lứa tiếp theo.
Từ đợt thu hoạch thứ 2, thời gian rút ngắn còn 5 - 6 tháng, lợi nhuận cũng cao hơn do chỉ còn tốn công chăm sóc, chi phí phân thuốc, nhân công thu hoạch, sơ chế. Chuối trồng một lần thu hoạch được 3 - 4 năm mới phải trồng lại, nên càng về sau lợi nhuận càng ổn định.
Theo tính toán, mỗi ha trồng chuối tại Tri Tôn hiện đang cho thu nhập bình quân 50 - 70 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí. Nhờ trồng chuối, hàng chục hộ dân địa phương đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Để có được những thành công hiện tại, những năm qua, huyện Tri Tôn đã chú trọng phát huy thế mạnh của từng vùng nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
Điển hình, với đất ven triền núi, gò cao, canh tác phụ thuộc vào nước mưa (khoảng 2.000ha), huyện định hướng phát triển cây ăn trái như bơ, xoài, cây có múi, mãng cầu ta, mít…, kết hợp cây dược liệu như đinh lăng, sâm bố chính, nghệ đen, nghệ vàng…
Ở vùng đồng bằng, huyện cơ cấu lại giống lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, an toàn, xây dựng cánh đồng lớn gắn kết HTX, doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - màu (khoai lang tinh bột, mè đen, sen, dưa hấu, rau, dưa...).
Hưng Nguyên