Đó là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo "Phát triển HTX với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa – giải pháp tăng cường quản trị trong HTX" do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) tổ chức.
Định hình hướng đi trong thời đại mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã có bước phát triển cả về lượng và chất.
Tuy nhiên, việc Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra nhiều cơ hội lớn như thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là nâng cao năng lực cạnh tranh và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển HTX bền vững trước xu thế toàn cầu hóa.
Ông Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Hội thảo |
Thống kê cho thấy, hiện nay, khu vực kinh tế hợp tác, HTX chiếm gần 4,8% GDP, chưa tính đến giá trị gia tăng HTX mang lại cho các thành viên và đóng góp của 95.000 tổ hợp tác.
Theo báo cáo của 63 Liên minh HTX tỉnh, thành phố, tại thời điểm 30/6/2018, cả nước có 21.026 HTX đang hoạt động (tăng 934 HTX so với cuối năm 2017).
Trong số này, quá nửa là HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp). Tuy nhiên, chỉ có hơn 9.000 HTX tương đương 45% hoạt động hiệu quả, còn lại là trung bình yếu.
HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác có tăng về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế.
"Khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém, như: Tốc độ tăng trưởng còn chậm, quy mô nhỏ bé, năng lực nội tại còn nhiều hạn chế (nhất là năng lực quản trị), chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đòi hỏi của thực tiễn", Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nói.
Ông Lê Thăng Long, Phó Trưởng ban Ban Chính sách và phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam, cho biết hiện Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đang xây dựng các đề án, dự án xây dựng mô hình HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị.
Trong 10 năm qua đã có khoảng 120 mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị tại các địa phương được hỗ trợ. Giai đoạn 2018- 2020, Liên minh HTX Việt Nam có đề án xây dựng khoảng 250 mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Năm 2018 đang triển khai hỗ trợ xây dựng 150 mô hình tại 63 tỉnh, thành phố để tuyên truyền, nhân rộng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Harm Haverkort, Giám đốc Quốc gia Agriterra tại Việt Nam, cho biết Agriterra được thành lập từ năm 1997 và có mặt tại Việt Nam từ năm 2010.
Agriterra là tổ chức nông nghiệp quốc tế, cung cấp những tư vấn và chuyên gia cho các HTX, các tổ chức nông dân tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo "Phát triển HTX với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa – giải pháp tăng cường quản trị trong HTX" |
Cần xử lý 5 thách thức lớn
Mục tiêu của Agriterra là hỗ trợ các tổ chức nông dân trong việc nâng cao khả năng kinh doanh của các thành viên, cải thiện thu nhập và lợi ích của các thành viên, tạo ra môi trường hợp tác một cách có lợi, cũng như hỗ trợ xây dựng các kế hoạch đầu tư để mang lại lợi nhuận cho các thành viên.
Ông Harm Haverkort nhận định, từ kinh nghiệm của Agriterra tại Hà Lan, muốn phát triển được HTX ở Việt Nam cần xử lý 5 thách thức lớn, bao gồm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho HTX, quản lý thành viên HTX hiệu quả, không có sự khác biệt lớn giữa các thành viên, sự phối hợp tốt giữa các thành viên và chiến lược tập trung vào chuỗi giá trị.
Ông Harm Haverkort phát biểu tại Hội thảo. |
Cụ thể, môi trường pháp lý thuận lợi bao gồm điều lệ hoạt động linh hoạt, tự chủ và luôn đổi mới trong quản trị. Quản lý thành viên có hiệu quả bao gồm sự đồng lòng của các thành viên và đội ngũ lãnh đạo có kỹ năng
Tại Hà Lan, HTX được tổ chức như một doanh nghiệp, đứng đầu là Hội đồng thành viên nắm toàn bộ cổ phần và định hướng hoạt động cũng như đưa ra quyết định về các hoạt động của HTX.
Trong chuỗi giá trị, HTX đóng vai trò trung gian đầu mối, là chìa khóa cho các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị và có thể kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách liên kết với ngân hàng.
Giải quyết được các vấn đề trên, ông Harm Haverkort tin rằng mô hình HTX sẽ hướng đến được mục tiêu cuối cùng là xây dựng HTX kiểu mới và giúp đỡ thành viên, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Harm Haverkort lưu ý HTX phải được tổ chức như một doanh nghiệp nhưng HTX là công cụ để hỗ trợ các thành viên hoạt động.
Được biết, từ năm 2016, các chuyên gia của Agriterra bắt đầu khảo sát và nhận thấy cần thiết hợp tác toàn diện với Liên minh HTX Việt Nam.
Qua 2 năm triển khai chương trình hợp tác, Agriterra đã hỗ trợ, kết nối với 16 đơn vị, đầu tư hàng triệu USD cùng với Liên minh HTX Việt Nam hình thành chương trình hợp tác phát triển HTX.
Bạch Linh